Tận cùng nỗi đau
Cái chết của 3 bé trai vừa hơn 2 tuổi tuổi gồm: Dương Nam Anh, Dương Nam An (anh em sinh đôi) và cháu Dương Thành Công (anh trai họ) trú tại xóm Mãn Chiêm (xã Hồng Tiến, thị xã Phổ Yên) chiều 30/10 khiến cho dư luận không khỏi bàng hoàng, sửng sốt.
Trong ngôi nhà nhỏ lụp xụp nằm nép mình bên đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, bà Dương Thị Hải (SN 1956, bà của 3 cháu bé) ngồi thất thần như người mất hồn, đôi mắt ứa lệ khi nghĩ về 3 đứa cháu tội nghiệp.
Bà Hải nhớ lại: Do bố mẹ các cháu đều bận đi làm nên việc trông coi, đưa các cháu đi học hàng ngày đều do ông bà phụ trách.
Khoảng 16h30 ngày 30/10, sau khi đón cả 3 cháu từ nhà trẻ về, bà Hải gửi ở nhà bố đẻ để tranh thủ trồng nốt đám rau muống.
Khoảng 20 phút sau bà Hải bất ngờ nghe tiếng la hét thất thanh vọng ra từ phía nhà hàng xóm. Khi đến nơi, bà Hải được thông báo là 3 đứa cháu tử vong do ngã xuống hố nước.
Vừa nhìn thấy 3 đứa cháu nhỏ nằm bất động trên bờ sau khi được người dân vớt từ hố nước sâu lên khiến bà Hải ngất xỉu tại chỗ.
Trao đổi với PV, bà Hà Thị Học (SN 1965, người trực tiếp vớt thi thể 3 cháu bé tử nạn lên bờ) cho biết: Thời điểm trên, bà Học đang quét dọn trong nhà thì cháu Trần Hoài Nam (5 tuổi, cháu nội bà Học) chạy về nói có 3 em bé bị ngã xuống hố nước sâu.
Bà Học hớt hải chạy đến kiểm tra thì thấy 3 cháu bé nhà hàng xóm đang nổi lập lờ trên mặt nước, đầu chụm vào nhau.
Không giữ được bình tĩnh, bà Học kêu cứu và bổ nhào xuống nước để vớt thi thể 3 cháu bé lên bờ.
Nghe thấy tiếng của vợ, ông Trần Văn Vụ (SN 1966) ở trong nhà chạy ra, phối hợp với gia đình nạn nhân khẩn trương đưa 3 cháu bé đi cấp cứu.
Cả 3 cháu bé đều được xác định đã tử vong trước khi đưa vào viện. Khoảng 19h cùng ngày, gia đình đón thi thể 3 cháu về nhà để lo tang lễ.
Dáng người tiều tụy, chị Dương Mai Huy (SN 1989, mẹ đẻ của 2 cháu Nam Anh, Nam An) tâm sự: Bản thân 2 bé từ lúc sinh ra đã thiếu đi tình thương và sự chăm sóc của người cha (do không được thừa nhận).
Để có tiền chăm lo cho con, chị Học phải gửi 2 cháu cho ông bà chăm sóc rồi một mình ngược xuôi Hà Nội để tìm kiếm công việc sinh nhai.
Mặc dù hoàn cảnh khá éo le, nhưng cả 2 cháu đều phát triển tốt, hiếu động, thông minh. Nào ngờ, tai ương lại ập tới cướp đi tính mạng 2 cháu.
Chị Huy day dứt một điều, những bức ảnh chụp 2 con đều không còn do điện thoại mất, giờ không có ảnh thờ.
Sự tắc trách của chính quyền
Bà Hải cho biết thêm, khu vực hố nước sâu nơi 3 cháu bé tử vong rộng hàng trăm mét vuông có nguồn gốc từ một đồi đất rất lớn.
Một nửa đồi đất đó thuộc sở hữu của nhà ông Dương Văn Hậu (84 tuổi, bố đẻ bà Hải) và gia đình ông Trần Văn Bốn (SN 1939, trú tại xóm Mãn Chiêm, xã Hồng Tiến).
Năm 2008 - 2009, khi xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (chạy qua xóm Mãn Chiêm), cơ quan chức năng đã cho phép các đơn vị thi công vào đây khai thác đất đồi.
Được chính quyền vận động, gia đình ông Hậu và ông Bốn đã đồng ý cho đơn vị thi công vào lấy đất với điều kiện sau khi khai thác phải san lấp mặt bằng trả cho người dân.
Tuy nhiên, các đơn vị thi công đã khai thác đất quá mức biến đồi đất trước đây thành những hố sâu 2 - 3m so với mặt bằng chung.
Qua nhiều năm, nước mưa bị tồn đọng lại tạo nên những hố nước tựa như những "cái bẫy" chết người. Mặc dù người dân đã nhiều lần phản ánh tới chính quyền, nhưng tình trạng trên vẫn không được khắc phục.
Liên quan tới vấn đề này, PV Báo GĐ&XH đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Văn Cần, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Tiến (thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên).
Ông Cần thừa nhận hố nước nơi 3 cháu bé tử vong tại xóm Mãn Chiêm hình thành do việc khai thác đất phục vụ quá trình xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.
Khi PV hỏi: Đơn vị thi công trong quá trình xây dựng đường cao tốc đã khai thác đất một cách bừa bãi tạo nên những hố nước sâu gây nguy hiểm, vậy trách nhiệm của chính quyền xã Hồng Tiến ở đây như thế nào?
Ông Cần chỉ im lặng, không trả lời.
Điều đáng nói hiện trạng trên đã tồn tại suốt nhiều năm qua nhưng các cơ quan có thẩm quyền vẫn không có những động thái gì để giải quyết.
Nói về những biện pháp khắc phục sau khi để xảy ra vụ việc 3 cháu bé tử vong dưới hố nước, ông Cần cho biết, đã chỉ đạo cấp dưới cho đào rãnh để tiêu nước trong những hố công trình trên hoặc cho cắm biển cảnh báo người dân.
Tuy vậy, sau khi vụ việc đã xảy ra gần một tuần, PV đi khảo sát hiện trường thì rãnh nước và biển cảnh báo vẫn chưa có.
Lãnh đạo… đi vắng?!
Trong nỗ lực đi tìm lời đáp cho câu hỏi: "Trách nhiệm thuộc về ai?", PV Báo GĐ&XH tìm tới UBND thị xã Phổ Yên liên hệ làm việc. Tuy nhiên, bộ phận văn phòng UBND thị xã Phổ Yên sau khi nghe trình bày sự việc đã trả lời rằng “lãnh đạo cơ quan đều đi vắng nên không thể sắp xếp”(?!).