“Nó” ở đây là đứa con gái 17 tuổi của tôi khi tôi đang bảo ban vì nó mắc lỗi. Những câu nói đó làm tôi gần như chết điếng và cố gắng lắm mới ngăn được cơn giận sắp bùng lên khiến mình nghẹt thở.
Con tôi đang tuổi 17, cũng như các bạn cùng trang lứa với nó hiện nay có thể tóm gọn trong một từ “vất vả”. Đang học lớp 12, chúng bù đầu với sách vở, làm hàng đống bài tập. Lo học thêm thầy này, cô kia, chuẩn bị thi cử. Lứa tuổi này không còn nhỏ nữa để có thể trả lời:“Chuyện này con chưa cần biết” khi chúng thắc mắc vấn đề gì đó. Lại thêm được tiếp cận với đủ thứ thông tin, nhiều luồng văn hóa, nhất là cái kho tàng vô tận trên Internet nên mọi thứ ở xa cũng thành gần.
Con gái tôi cái gì cũng thích, cũng muốn tìm hiểu, tâm lý chung của tuổi mới lớn mà! Chỉ có chút khác biệt là nó thích nghe nhạc cổ điển trong khi các bạn ở lớp thích Hip-hop hay Rap. Nó hay đến thư viện trường mượn sách trong khi các bạn chúi đầu vào mạng đọc tiểu thuyết, truyện ngắn và đủ thứ linh tinh.
Sự khác biệt này tôi không biết nên mừng hay lo. Hỏi mấy người bạn có con cùng tầm tuổi đó thì mỗi người một ý. Người thì bảo như thế là ngoan, là có “gu” nghe nhạc, biết chọn sách để đọc. Người thì cho rằng nó “nhiễm bệnh tiểu thuyết” và không chừng sẽ thành “dở hơi”.
Song, có một điều tôi biết chắc là con mình cũng giống y chang như những cô cậu tuổi teen hiện giờ là biết cãi, biết phản đối ngay với người lớn nếu chúng thấy rằng không đúng. Tôi cũng như bao bà mẹ khác, tuy hàng ngày vất vả, bận rộn với công việc mưu sinh nhưng không hề mệt mỏi với việc yêu thương, dìu dắt con mình. Luôn muốn lắng nghe, chia sẻ và hồi hộp dõi theo từng bước của con trên đường đời. Nhưng cũng thật đắng lòng khi con “bật lại” quyết liệt như thế.
Nhớ ngày xưa còn nhỏ, mấy chị em tôi chẳng dám hé ra một lời nào khi bị mẹ mắng, mặc dù có lúc rõ ràng là bị oan. Có lẽ nào bây giờ “dân chủ” quá chăng? Có lẽ nào quan tâm nhiều đến con khiến cho nó cảm thấy bị “kiểm soát” quá chặt và nhìn mình như một “kẻ độc tài”? Tôi tự đặt ra cho mình rất nhiều câu hỏi chưa có lời giải rồi tự nhủ: “Rồi một lúc nào đó, con sẽ hiểu ra và dù có thế nào chăng nữa, mẹ cũng vẫn yêu con và tha thứ cho con”.
Hai mẹ con tôi đã quyết định nói chuyện nghiêm túc với nhau. Lần đầu tiên con được nghe về những suy nghĩ của mẹ về bà ngày xưa. Có những lúc, tôi còn ao ước, mình lớn thật nhanh để thoát khỏi những áp đặt và càu nhàu của mẹ. Những hồi ức giúp tôi nhớ lại những “bí kíp” của mình khiến mẹ bực bội.
Dường như tôi trở nên đồng cảm hơn với con trước khi nó ôm lấy tôi thì thầm “Từ giờ, con sẽ cố gắng nói hết suy nghĩ của con với mẹ. Con cũng lắng nghe suy nghĩ của mẹ nhé”. Tôi biết con gái mình đã lớn rồi. Mối quan hệ bạn bè, chị em giữa chúng tôi hình như đang “soán ngôi” kiểu bảo mẫu, tôi cũng phải làm quen thôi.
Làm mẹ! Cái thiên chức ấy vô cùng thiêng liêng, cao cả mà cũng thật... khó làm sao!