Luật Việc làm bị 'bác' ngay lần đầu lấy ý kiến

hoanghuyen |

Thường vụ Quốc hội quyết định chưa trình dự luật này trong kỳ họp cuối tháng 10.

Chiều 5/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 12 và cho ý kiến về dự thảo Luật Việc làm. Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, việc xây dựng luật này là cần thiết, góp phần khắc phục hạn chế của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về việc làm, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm yêu cầu hội nhập quốc tế, thúc đẩy, ổn định, bảo đảm việc làm bền vững cho người lao động.

luat-viec-lam-bi-bac-ngay-lan-dau-lay-y-kien

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền. Ảnh:Chinhphu.vn

Dự thảo Luật Việc làm gồm 9 chương, 112 điều, quy định về 7 nhóm vấn đề lớn: Phát triển việc làm; Thông tin thị trường lao động; Quản lý lực lượng lao động; Phát triển kỹ năng nghề; Dịch vụ việc làm; Tuyển, đăng ký sử dụng lao động; Bảo hiểm việc làm. Dự luật áp dụng cho lao động Việt Nam và lao động nước ngoài ở Việt Nam, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp... sử dụng lao động.

Theo bà Chuyền, điểm quan trọng nhất của dự luật này là chính sách bảo hiểm việc làm nhằm thay thế bảo hiểm thất nghiệp hiện nay. Bảo hiểm việc làm không chỉ hỗ trợ người lao động thất nghiệp mà còn hỗ trợ cả người đang làm việc cũng như chủ sử dụng lao động để duy trì việc làm, phòng ngừa, hạn chế thất nghiệp...

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai chỉ rõ, cần cân nhắc việc đổi tên bảo hiểm thất nghiệp thành bảo hiểm việc làm vì mục đích vẫn chủ yếu giải quyết chính sách thất nghiệp. Trên thế giới có khoảng 80 quốc gia đang thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, rất ít nước có bảo hiểm việc làm.

Bên cạnh việc có phạm vi điều chỉnh rất rộng, theo bà Mai, nhiều nội dung trong dự luật này có liên quan tới các đạo luật khác, đặc biệt là Bộ luật Lao động, Luật Dạy nghề, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Thống kê... Do đó, cần rà soát để đảm bảo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Còn Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhìn nhận, dự luật này có sự chồng chéo, mâu thuẫn. "Một số điều trong Bộ luật Lao động sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, nay dự Luật Việc làm quy định lại nhưng có nội dung khác. Kỳ họp trước thông qua chính sách bảo hiểm thất nghiệp, kỳ họp này lại thông qua bảo hiểm việc làm?", ông Lý thẳng thắn.

Và ông này nêu thêm băn khoăn: "Tờ trình này nói bảo hiểm việc làm được quốc tế công nhận hơn. Vậy sao trước đây khi trình Luật Lao động lại nói bảo hiểm thất nghiệp phổ biến hơn?".

Đồng quan điểm, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội cho rằng, hiện nay nếu cứ xây dựng luật nọ chồng chéo luật kia thì khi một luật được thông qua sẽ phải điều chỉnh luật khác và như thế việc sửa luật trở thành vòng luẩn quẩn.

Không hài lòng về chất lượng soạn thảo dự án Luật Việc làm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho hay, trong đợt tiếp xúc cử tri vừa qua, người dân phàn nàn luật được ban hành nhiều nhưng không thấy thực thi.

"Luật quy định sẽ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng tôi thấy điều này không khả thi vì hiện cả nước có khoảng 500.000 doanh nghiệp loại này. Căn cứ vào đâu để hỗ trợ họ? Độ phủ của quỹ bảo hiểm việc làm quá rộng, thu thì vẫn giữ nguyên. Vậy không hiểu quỹ này có đảm bảo không?", ông Hiển chỉ ra những điểm "tính khả thi không cao" của dự án luật này.

Không trả lời thẳng thắc mắc của các đại biểu, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, tiếp thu các ý kiến, tiếp tục hoàn thiện tờ trình để lấy ý kiến Quốc hội trong kỳ họp sắp tới.

Trong khi đó, dù cho rằng ban soạn thảo đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng đây là dự án luật có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến nhiều luật chuyên ngành đang hoặc mới có hiệu lực nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chưa trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp lần thứ 4 Quốc hội khóa XIII. Bộ Lao động tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại