Mỹ có thể sẽ tự thấy phải có trách nhiệm với công việc tái thiết nền chính trị tại Libya ngay cả khi họ đang gặp khó khăn về kinh tế.
Khi phe nổi dậy giành ưu thế trong cuộc chiến ở Tripoli với chính quyền, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố: “Chế độ Gaddafi đã chấm hết. Tương lai của Libya nằm trong tay người dân Libya” Ông Obama cam kết Mỹ sẽ phối hợp với phe nổi dậy Libya và các đồng minh quốc tế để hỗ trợ quá trình chuyển sang chế độ dân chủ ở quốc gia Bắc Phi này.
Mặc dù là quốc gia giàu có về tài nguyên dầu, khí đốt, nhưng Libya thời kỳ hậu Gaddafi vẫn phải đối mặt với hàng loạt thử thách như cơ sở hạ tầng bị phá hủy, các âm mưu trả thù, và một chế độ dân chủ bắt đầu từ con số 0.
Một nhà ngoại giao Mỹ có kinh nghiệm dày dặn về Trung Đông nhận định, sứ mệnh tái thiết Libya cũng không hoàn toàn vì lợi ích quốc gia của Mỹ, trong khi đó nó lại tiềm ẩn quá nhiều rủi ro.
Ông này đề cập đến việc Mỹ nỗ lực đổ hàng tỷ USD và tăng viện hàng nghìn binh lính tới Iraq và Afghanistan hỗ trợ tái thiết, nhưng không gì đảm bảo sự ổn định này có thể kéo dài mãi.
Nếu cũng giống như ở Ai Cập, Tunisia, Mỹ sẽ nhờ đến các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, ngân hàng Thế giới đi đầu trong nỗ lực tái thiết.
Tuy nhiên, giới chức Mỹ thừa nhận, Mỹ có thể dẫn đầu sứ mệnh tái thiết Libya ở một số lĩnh vực nhất định như đào tạo chính trị, hỗ trợ tình báo, hậu cần cho chính phủ lâm thời Libya. Để tái thiết Libya theo hướng dân chủ, Mỹ có thể phải can thiệp 5-10 năm, thậm chí lâu hơn nữa.
Sự can thiệp này, về lâu dài có thể sẽ ảnh hưởng đến cục diện chính trị tại Mỹ, nhất là Mỹ đang hướng đến cuộc bầu cử Tổng thống vào năm sau. “Rốt cục, sự can thiệp của Mỹ vào Libya được đánh giá thành công hay thất bại không dựa trên sự sụp đổ của chế độ Gaddafi mà vào trật tự chính trị”, Thượng nghị sỹ John McCain và Lindsey Graham nhận định.
Hay nói cách khác, Libya là một phép thử đối với Tổng thống Obama, bởi người Mỹ không ủng hộ sự can thiệp này, họ cho rằng, sự hiện diện của Mỹ ở Iraq hay Afghanistan cần thiết hơn.
Theo DVT.vn