Xem mở chiếc radio gửi đến, vĩnh viễn mất đi đôi mắt

Nguyễn Huệ |

Thơ nhớ rất rõ, khi anh Thắng mở công tắc của chiếc radio thì một tiếng nổ vang trời phát ra, rồi Thơ không biết gì nữa. Tỉnh dậy, em thấy hai mắt mình bị băng kín.

Cơn cuồng ghen của 12 năm trước

Hình ảnh của bố mẹ, người thân, những sắc màu của tự nhiên… đã mãi mãi dừng lại trong kí ức của Nguyễn Văn Thơ (SN 1987, thôn Kim Hạ, Kim Lũ, Sóc Sơn, Hà Nội) ở thời điểm 12 năm trước.

Thậm chí, những hình dung ấy gần như đã phai nhòa đi rất nhiều trong trí tưởng tượng của Thơ.

12 năm trước (tháng 9/2003 – PV), khi Thơ vừa bước vào lớp 10 trường THPT Sóc Sơn thì đã vô tình trở thành nạn nhân vụ nổ mìn của cơn cuồng ghen, khiến em vĩnh viễn sống trong bóng tối, cùng với rất nhiều thương tật trên người.

Trong ngôi nhà cấp 4 được xây từ năm 1995, Thơ mò mẫm lần đi từng bước. Nhắc lại chuyện đã qua, Thơ chỉ biết buông những tiếng thở dài. Những ký ức kinh hoàng đó vẫn ám ảnh em trong nhiều năm qua.

Đôi mắt của Thơ giờ đã vĩnh viễn không nhìn thấy gì

Đôi mắt của Thơ giờ đã vĩnh viễn không nhìn thấy gì.

Thi đỗ cấp 3 nhưng nhà cách trường 10km nên Thơ trọ học tại nhà người anh họ của mình là Nguyễn Văn Viện.

Chiều hôm xảy ra vụ nổ mìn, Thơ và Thắng (em trai anh Viện) đã có ý định chuyển sang 1 phòng khác ở vì nhà anh Viện chật chội lại có cháu nhỏ.

Lúc Thơ đi chợ về, thấy anh Thắng và chị Trần Thị Nhàn (vợ anh Viện) đang xem chiếc hộp bên trong có đựng chiếc radio to hơn viên gạch kèm 1 tờ giấy ghi dòng chữ: “Nhờ Viện sửa giúp, mai lấy ngay!”.

Chị Nhàn cũng đã có linh cảm ghê ghê cái vật được gửi đến cho chồng mình. Thơ cũng đứng gần đó xem sự việc.

Khi anh Thắng mở công tắc chiếc radio thì 1 tiếng nổ lớn phát ra. Sau đó, Thơ không biết gì nữa, lúc mở mắt ra đã thấy mình nằm trên giường bệnh, hai mắt bị băng kín.

Anh Thắng, chị Nhàn và cháu bé 2 tuổi (con anh Viện và chị Nhàn) đã vĩnh viễn ra đi sau vụ nổ.

Vụ nổ thương tâm đó đã khiến Thơ vĩnh viễn mất đi đôi mắt, bị dập xương quai hàm, sống mũi, điếc 1 bên tai, cùng với những vết sẹo chằng chịt khắp cơ thể.

Ngoài ra, một vệt sẹo dài còn hằn ở đầu của chàng trai này và không thể mọc được tóc, cứ trái gió trở trời Thơ lại đau… Ngày ấy, Thơ bị mất 94% sức khỏe.

“Ngồi kể lại như thế này, em vẫn hình dung được ngày hôm đó. 12 năm rồi nhưng chưa bao giờ em quên được.

Kí ức ấy thỉnh thoảng lại trở về trong giấc mơ của em nhưng không rõ ràng” – Thơ hướng đôi mắt của mình về phía ánh sáng và cảm nhận.

Những vết sẹo cũng hằn sâu trên cánh tay em và khắp cơ thể

Những vết sẹo cũng hằn sâu trên cánh tay và khắp cơ thể Thơ.

Vụ nổ cướp đi 3 mạng người và đẩy Thơ vào cuộc đời bất hạnh xảy ra vào cuối tháng 10/2003. Kẻ gây ra nỗi đau oan nghiệt ngày hôm nay cho Thơ là đôi tình nhân Ngô Mạnh Hùng và Lại Thị Kiều Lan.

Lan vốn là “tình cũ” của anh Viện. Sau khi chia tay, anh Viện trở về quê, Lan quen và yêu Hùng. Khi biết được quá khứ của Lan, Hùng đòi chia tay. Hùng càng trở nên hung hãn hơn sau nhiều cuộc điện thoại cãi vã với anh Viện và biết mình chỉ là kẻ “đổ vỏ”.

Khi Lan níu kéo, Hùng đồng ý quay lại nhưng với điều kiện, Lan phải nghe theo lời Hùng. Từ đây bi kịch đã xảy ra khi quả mìn với vỏ bọc là chiếc radio được đôi tình nhân gửi tới cho anh Viện…

Cúi đầu nhận tội trước pháp luật, Hùng phải chịu bản án tử hình, còn Lan tù chung thân, 3 người bán kíp mìn cho đôi tình nhân tội lỗi, mỗi người chịu mức án15 năm tù.

“Nhiều lúc em oán hận họ lắm. Em đang là người bình thường nhưng chỉ vì cơn ghen mù quáng của họ đã khiến em rơi vào tình cảnh ngày hôm nay.

Trong suốt quá trình em nằm viện điều trị, gia đình họ cũng không một lời hỏi thăm em" – khẽ xoay chiếc kính đen, Thơ nói.

Ước mơ dang dở

Tương lai, tuổi trẻ, ước mơ của chàng trai này bỗng dưng bị đứt quãng bởi bi kịch.

Thơ nhớ lại thời khắc khi mở mắt ra trên giường bệnh, em chỉ biết đôi mắt mình đau nhức và cuốn dải băng mà không hề hay biết, mình sẽ vĩnh viễn không nhìn thấy gì.

Thế rồi, qua câu chuyện vô tình các bác sĩ để lộ khi nói chuyện với bà Nguyễn Thị Sính (mẹ của Thơ – PV), cậu đã vô cùng hoảng loạn.

“Lúc biết tin mình sẽ bị mù, em gần như sụp đổ và rất tuyệt vọng. Em đang là người bình thường, có đôi mắt để nhìn mọi sự xung quanh, để đi học nhưng bỗng dưng tất cả phải chấm dứt.

4 năm ròng rã em ở trong trạng thái hoảng loạn, không dám ở nhà một mình. Bố mẹ đi vắng phải gửi em sang hàng xóm chơi.

Giờ cứ nghe tiếng động mạnh, tiếng sấm hay tiếng hù của đám trẻ nhỏ… em lại giật mình” – chàng trai này trải lòng.

Câu chuyện giữa chúng tôi bị ngắt quảng bởi tiếng ho dồn dập ở phía giường bên cạnh, Thơ đưa đôi mắt đã không còn nhìn thấy gì của mình về phía tiếng ho ấy.

Ông Nguyễn Văn Trọng (bố của Thơ) đang nằm trên chiếc giường gấp, nãy giờ lắng nghe câu chuyện con kể, ông chỉ nói: “Chuyện đã là quá khứ rồi…”, rồi ông lại im lặng.

Người bố ấy cũng đã trải qua nỗi đau tột cùng khi chứng kiến đứa con trai duy nhất của mình bị tàn phế.

“Sự sống của bố giờ em chỉ dám hi vọng từng ngày. Bố bị ung thư vòm họng. Sau rất nhiều biến cố của gia đình, sức khỏe bố em đi xuống nhiều lắm” – Thơ nói thêm.

Sự sống của ông Trọng giờ chỉ đếm từng ngày

Sự sống của ông Trọng giờ chỉ đếm từng ngày.

Thời gian gần đây, bố chị Lan - một trong hai người gây ra vụ nổ mình có lặn lội từ Thái Nguyên về Sóc Sơn thăm gia đình Thơ và bồi thường số tiền là 30 triệu đồng.

Khi nhắc về số tiền bồi thường ấy, chàng trai này đã khóc. Cậu bảo “em không nói thêm gì được nữa”, rồi để mặc những cảm xúc của mình cứ chảy theo những giọt nước mắt ấy.

Phải mất vài ba phút trấn tĩnh, Thơ mới lại tiếp câu chuyện với chúng tôi. Số tiền ấy theo Thơ chỉ như muối bỏ biển so với những khoản nợ của gia đình, tiền thuốc thang điều trị cho Thơ.

Vừa đi làm đồng về, thấy có khách, bà Sính hồ hởi tiếp chuyện. Người mẹ ở cái tuổi 60 ấy đã phải cố gắng vô tư sau rất nhiều biến cố vì giờ đây chỉ có bà là trụ cột gia đình.

Trải qua rất nhiều nỗi đau nhưng bà Sính luôn dặn lòng phải vô tư để làm chỗ dựa tinh thần cho con

Trải qua rất nhiều nỗi đau nhưng bà Sính luôn dặn lòng phải vô tư để làm chỗ dựa tinh thần cho con và chăm chồng bệnh tật.

Nhớ lại quãng thời gian xảy ra vụ nổ mìn kinh hoàng, bà bảo, 3 tháng hai vợ chồng chăm con trong viện là thời gian lấy đi gần như hết nước mắt của bà.

Bà chỉ có chút vui khi biết phần não của Thơ không bị ảnh hưởng, Thơ vẫn nhớ tên bố, tên mẹ, tên người thân…

Đã có lúc, bà nói với bác sĩ để mình được hiến đôi mắt cho con, vì Thơ còn quá trẻ để phải hứng chịu sự mất mát này.

Thơ đã học xong kiến thức cấp 3 tại trường Ngô Tất Tố (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Trở về nhà, Thơ vẫn chưa có việc làm và hàng ngày chăm sóc những chú chim bồ câu để tạo niềm vui cho mình. Gia đình bà Sính thuộc diện hộ nghèo của địa phương.

“Em được hưởng trợ cấp dành cho người mất sức lao động, mỗi tháng được hơn 500 nghìn đồng” – Thơ buồn rầu.

Phía sau câu chuyện của chàng trai bị hỏng đôi mắt chỉ vì cơn ghen mù quáng là ước mơ được bước chân vào giảng đường đại học để sau này có thể trở thành thầy giáo dạy chữ nổi. Thế nhưng, kinh tế gia đình eo hẹp đã khiến ước mơ ấy của em chùng lại…

“Giá như có một phương pháp tiên tiến nào đó của y học có thể giúp em có được đôi mắt.

Em cũng từng nghĩ tới gia đình riêng của mình vì bố mẹ già rồi. Em cũng cần có người chăm sóc nhưng với đôi mắt này thì... ước mơ mãi chỉ là ước mơ” – Thơ gượng cười khi nhắc tới ước mơ của mình.

 

Hãy chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh thương tâm bằng cách gửi tiền ủng hộ đến Quỹ Tấm lòng Thiện, Báo điện tử Trí thức trẻ.

Tài khoản: 1912.832.546.5015

Báo Điện tử Trí Thức Trẻ - Techcombank Lĩnh Nam - Hà Nội

Địa chỉ: Tầng 21, tòa nhà Hapulico Center Building, số 1 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Tòa soạn sẽ là nhịp cầu nối Tấm lòng thiện của độc giả tới những hoàn cảnh khó khăn.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại