Kỳ lạ cô dâu không được mặc váy, đẻ con rồi mới được cưới...

hoanghuyen |

Còn nhiều nơi trên khắp đất nước vẫn còn tồn tại những phong tục rất kỳ lạ về cưới xin.

Bắc Ninh: Muốn cưới phải đặt cọc 2 triệu và không được mặc váy

Làng Phù Lãng (Quế Võ, Bắc Ninh) nằm cạnh con sông Cầu thơ mộng với nghề gốm truyền thống đã nổi tiếng trên cả nước. Và có một nét “văn hóa” có một không hai: Cô dâu không được mặc váy cưới.

Cô dâu chú rể hạnh phúc trong chiếc áo dài truyền thống ngày cưới

Được biết, nếu vi phạm “lệ” này, gia đình họ sẽ bị phạt tiền và mất danh dự với làng xóm. Điều đáng nói đó là chuyện tưởng phi lý đó đã và đang tồn tại ở một miền quê vùng Kinh Bắc.

Ông Nguyễn Tiến Lên, phó chủ tịch UBND xã Phù Lãng cho biết: “Quy định trên không phải do chúng tôi tự đặt ra mà do người dân đề nghị, lấy ý kiến đa số người dân. Từ đó, thông qua hội đồng nhân dân để đưa nó thành quy chế của địa phương. Việc làm này thực hiện nếp sống văn hóa mới”.

Hơn nữa, hầu hết người dân cho rằng, áo dài truyền thống mặc vừa đẹp, vừa gọn gàng phù hợp với điều kiện của địa phương.

Trước khi đi đăng ký kết hôn, phải “đặt cọc” với chính quyền xã 2 triệu đồng và sẽ được trả lại nếu không vi phạm quy định.

Vĩnh Phúc: Thị trấn một tháng chỉ được cưới 2 ngày

Thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) ra quy ước về ngày cưới, ngày chạm ngõ.Thị trấn này có tới 80% người dân làm nghề mộc. Nhưng có lẽ đây là địa phương duy nhất ở nước ta thực hiện quy ước về việc cưới suốt 12 năm qua. Theo đó, đám cưới chỉ được tổ chức vào hai ngày trong tháng là mùng 2 và 16 âm lịch, nếu gia đình nào vi phạm thì sẽ bị phê bình tại thôn xóm, khu phố.

Cùng với quy định ngày cưới, Yên Lạc cũng quy định cụ thể về cách thức tổ chức như: "... Không làm sân khấu, không dùng loa nén, không làm cổng chào, không dùng lẵng hoa, dùng các loại bóng điện thường thắp sáng, tiết kiệm chi tiêu, không tổ chức ăn lại mặt sau khi cưới".

Chú rể Phạm Văn Đông trong lễ cưới năm 2009.Ảnh: Pháp luật TP HCM.

Do áp dụng ngày cưới thống nhất, nên việc đi ăn cưới đối với người dân thị trấn giống như ngày hội. Ông Phạm Văn Phong (khu phố 1) kể lại: "Có những ngày Yên Lạc có đến mấy chục cặp cùng cưới, cả thị trấn đều đóng cửa xưởng, gác việc nhà đổ xô đi ăn cưới, ra đường gặp nhau hỏi han, cười nói rất xôm tụ chẳng thua gì hội làng".

Chờ sinh con rồi cưới lần 2 với chính vợ mình

Phong tục có con rồi mới cưới vợ của người dân tộc Hà Nhì (Lai Châu) đến nay vẫn còn tồn tại.

Thanh niên Hà Nhì được tự do kết hôn, nếu bạn gái yêu mình thì chàng trai dẫn về nhà thưa chuyện với cha mẹ xin cưới làm vợ. Ðây là lần cưới đầu tiên của trai bản Hà Nhì đối với vợ mình. Người vợ từ đó trở đi phải mang họ nhà chồng. Sau khi có con thì người chồng phải tổ chức đám cưới lần thứ hai... với chính vợ mình.

Trước khi cưới, chàng trai phải sang ở rể bên nhà gái hơn chục năm và khi đón dâu về, anh ta thường rước luôn cả đàn con dăm bảy đứa. Đó là tục lệ ở rể bao đời nay của người La Ha, xã Nậm Păm, Mường La, Sơn La.

H. Huyền

(tổng hợp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại