Chiều 9/11, trung tướng Tô Thường, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, Bộ Công an cho biết, mặc dù chưa có thông tư hướng dẫn nhưng các địa phương sẽ thực hiện Nghị định 71/2012 theo đúng thời gian có hiệu lực.
“Quy định đưa ra là tương đối rõ nên các địa phương sẽ thực hiện ngay. Đối với các quy định còn tranh cãi, vướng mắc thì sẽ tiếp tục chờ hướng dẫn, mấy hôm nay lực lượng CSGT đã được tập huấn để sẵn sàng cho việc áp dụng quy định mới”, ông Thường nói.
Mức phạt về hành vi say rượu trong lúc chạy xe tăng cao nhất
Cùng chung quan điểm trên, thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt (C67), Bộ Công an cho biết: “CSGT có thể xử phạt ngay đối với hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Ví dụ: không đội mũ bảo hiểm, chạy quá tốc độ, lấn làn đường... Đây cũng là những hành vi bị áp dụng mức phạt tăng 1-3 lần so với trước đây”, ông Tuyên nói.
Liên quan đến biện pháp tạm giữ giấy tờ đối với người điều khiển và phương tiện vi phạm thì người vi phạm có được lái xe nữa hay không, ông Tuyên khẳng định: “Khi anh không có giấy phép lái xe tức là không được điều khiển phương tiện, đây là nguyên tắc”.
Về thẩm quyền xử phạt, một lãnh đạo Cục C67 cho biết, các hành vi “động” như liên quan đến việc điều khiển phương tiện sẽ do CSGT xử phạt, còn các hành vi “tĩnh” sẽ do lực lượng thanh tra giao thông hoặc các lực lượng khác xử lý.
Đặc biệt, Nghị định 71 tăng nặng mức xử lý đối với “vấn nạn” thanh thiếu niên tụ tập đua xe, quậy phá và tình trạng chống đối CSGT khi thi hành nhiệm vụ…
Cụ thể, người điều khiển ô tô lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường gây tai nạn hoặc không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ, hoặc chống người thi hành công vụ sẽ bị phạt 20 triệu đồng, tạm giữ phương tiện vi phạm 10 ngày, tước giấy phép lái xe vô thời hạn; còn điều khiển xe gắn máy vi phạm bị phạt 12 triệu đồng, tạm giữ xe 10 ngày, tước giấy phép lái xe vô thời hạn...