Tàu chiến USS Chung-Hoon của Hải quân Mỹ dự kiến tham gia cuộc tập trận phối hợp giữa Mỹ-Philippines vào cuối tháng này.
Hội thảo diễn ra trong 2 ngày với sự tham dự của hơn 150 học giả, các nhà nghiên cứu đến từ Mỹ, Australia, Na Uy, Trung Quốc và một số nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Trong 2 ngày hội thảo, các nhà nghiên cứu đã tập trung thảo luận về lợi ích và quan điểm của các nước liên quan đến tranh chấp ở biển Đông, những diễn biến mới nhất ở khu vực này, hiệu quả của các cơ chế an ninh tại biển Đông cũng như những giải pháp về chính sách nhằm tăng cường an ninh và hòa bình trong khu vực.
Tại các phiên thảo luận, tuyên bố về chủ quyền của Trung Quốc tại biển Đông, đặc biệt là đường yêu sách 9 đoạn, cũng như những lập luận, bằng chứng do Giáo sư Tô Hạo, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Quốc tế Đại học Ngoại giao Trung Quốc trình bày đã khiến không ít học giả, các nhà nghiên cứu lo ngại.
Tiến sỹ Richard Cronin, Trung tâm Đông Nam Á, Viện Stimson (Mỹ) cho rằng: "Hoàn toàn không phù hợp với luật quốc tế. Trung Quốc cố gắng áp dụng cả Công ước Quốc tế về luật biển ở những nơi có thể để thiết lập vùng đặc quyền kinh tế, nhưng họ cũng sử dụng cả những yêu sách mang tính lịch sử ở những nơi không thể áp dụng luật quốc tế. Hơn nữa, họ cũng chưa bao giờ xác định cụ thể họ đòi hỏi những gì trong phạm vi đường 9 đoạn đó".
Tiến sỹ Walter Lohman, Giám đốc Trung tâm châu Á, Viện Heritage (Mỹ): "Trung Quốc cần phải rõ ràng về đòi hỏi của mình. Chúng ta không thể vạch ra được những đòi hỏi của họ là gì, chúng ta không thể cứ phải ở trong tình trạng cố phải tìm hiểu về đường chín đoạn đó, họ cần phải nói cho chúng ta biết cụ thể đường chín đoạn đó nghĩa là gì”.
Các học giả đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về những diễn biến mới đây tại biển Đông, nhất là những hành động được các học giả gọi là sự gây hấn liên tiếp của tàu hải giám, tàu cá của Trung Quốc, bởi diễn ra ngay trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế đã được công nhận của các nước Philippines và Việt Nam. Theo các học giả, vấn đề biển Đông hiện không chỉ là vấn đề của các nước liên quan, mà cònđược nhiều quốc gia khác quan tâm, bởi nó có ảnh hưởngtới an ninh và tự do hàng hải trong khu vực.
Thượng nghị sỹ Mỹ John Mc.Cain: "Điều khiến tôi lo ngại, cũng như nhiều người trong số các bạn, là những tuyên bố chủ quyền mở rộng của Trung Quốc ở biển Đông; các lý do biện luận cho các tuyên bố chủ quyền đó không có cơ sở trong luật pháp quốc tế; và những hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc tại các vùng biển mà họ tự tuyên bố chủ quyền, bao gồm cả ở vùng nước trong vòng 200 dặm ngoài khơi bờ biển của các nước ASEAN, như là trường hợp gần đây liên quan đến Việt Nam và Philippines".
Đã có nhiều phân tích về nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất ổn tại biển Đông thời gian gần đây, tập trung chủ yếu vào 3 yếu tố chính là thiếu cơ chế điều chỉnh đủ mạnh, sự thiếu minh bạch trong những đòi hỏi về chủ quyền trong khu vực cũng như sự thiếu nhất quán giữa tuyên bố và hành động của một số quốc gia liên quan.
Sau hai ngày hội thảo, các nhà nghiên cứu, các học giả đi đến kiến nghị các bên liên quan giải quyết những tranh chấp hiện nay tại biển Đông bằng các biện pháp hòa bình thông qua đàm phán giữa các bên liên quan, trên cơ sở bình đẳng, minh bạch, tuyệt đối tuân thủ Công ước về luật biển năm 1982 và tuyên bố về ứng xử tại biển Đông nhằm đảm bảo sự ổn định trong khu vực.
Theo VTV