Làng nghề sử dụng nhiều vật liệu cháy nổ, tăng nguy cơ hỏa hoạn (Ảnh minh họa)
Hối hả làm hàng Tết
Chị Nguyễn Thị Nha, nhà ở thôn Văn Hội, Thường Tín tâm sự, trước đây gia đình 5 miệng ăn chỉ trông chờ vào 3 sào ruộng, quanh năm đói. Thấy xóm làng có của ăn của để nhờ nghề vàng mã, chị cũng tập tành làm theo. Lúc đầu, đôi tay quen cày cấy lóng ngóng mãi mà không dán được giấy vào thân ngựa, mãi rồi cũng thành thạo. Sau mùa vụ, chị lao vào làm vàng mã. Nghề này nhẹ nhàng, không vất vả nhưng đòi hỏi sự chăm chỉ và tỉ mỉ. Chỉ sau vài năm, gia đình đã xây được nhà, mua xe, có cuộc sống dư dả.
Nhà chị Minh Hào, thôn Duyên Trường, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín trải qua 4 đời làm nghề vàng mã. Gia đình chị chuyên sản xuất đàn phủ gồm: 1 đàn ngựa, cô hầu, bộ cầu giếng bạc… phục vụ cho các buổi hầu đồng với giá từ 2,5 đến vài chục triệu đồng. Chị tâm sự, lúc đầu cũng phải tìm tòi để biết con ngựa nào dán màu đỏ, con nào màu trắng, đồ lễ gắn với loại đồ cúng nào để khi khách đặt còn biết sắp bộ. Một ngày 6 người làm được hơn 200 sản phẩm. Khung xương người mua với giá 5,5 nghìn đồng, khung xương ngựa mua với giá từ 60 nghìn đồng. Mỗi sản phẩm hoàn thiện giao cho cửa hàng, bé thì lãi từ 20-25 nghìn đồng, sản phẩm lớn lãi từ 200-300 nghìn đồng. Mỗi năm, nhà chị xuất đi vài trăm triệu đồng tiền hàng.
Làng nghề vàng mã đang bước vào giai đoạn hối hả chuẩn bị hàng cho cho dịp Tết. Hai bên đường vào làng chất đầy những khung xương ngựa, hình người. Những “ông ngựa, ông voi” vừa dán giấy màu được đem ra bãi rộng phơi khô tạo nên sắc màu rực rỡ. Mặc dù năm nay giá vàng mã đắt hơn so với mọi năm nhưng theo các hộ kinh doanh nhu cầu của người dân cũng tăng theo. Một số hộ gia đình đã từ chối các đơn đặt hàng vì làm không xuể.
Với quan niệm trần sao âm vậy nên các mặt hàng cũng đa dạng theo mùa: gần Tết làm mũ, tiền vàng, các chép; ra tết làm đồ chuyên đi cúng đền, phủ, rồi hình nhân cho lễ giải hạn; tháng 6 đến tháng 8 sản xuất hàng cho các buổi hầu đồng… Để hoàn thành nhanh sản phẩm, trong làng cũng hình thành một dây chuyền sản xuất. Gần 50 nhà chuyên dán, hoàn thiện sản phẩm và hơn 100 nhà làm các công đoạn như dựng khung, tạo chi tiết phụ. Cứ như vậy, cả làng quanh năm không hết việc, lúc nào cũng hối hả, tất bật.
Tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ
Trong nhà xưởng của anh chị Minh Hào, dưới đất, trên tường, trần nhà la liệt khung xương, giấy màu. Cạnh bên là nhà kho rộng khoảng 10m2 chất đầy sản phẩm. Gian bếp cũng ngập trong đống giấy màu. Khi chúng tôi đề cập đến nguy cơ xảy ra hoả hoạn, anh Hào tỏ vẻ không mấy quan tâm, “nhà tôi làm nghề vàng mã đã vài chục năm, trước đây toàn nhà tranh, bếp rạ còn không xảy ra cháy, bây giờ sử dụng bếp gas là an toàn rồi”. Đây cũng là suy nghĩ của phần lớn các hộ sản xuất ở làng nghề.
Trái với tâm lý chủ quan của người dân, Trung tá Đỗ Anh Quyến, phó Trưởng Phòng CS PCCC Thanh Trì lo lắng, 3 huyện Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Trì do đơn vị đảm nhiệm có nhiều làng nghề nằm trong nhóm có nguy cơ cháy cao như sản xuất chăn bông, vàng mã, khảm trai… Nơi sản xuất lại đặt gần bếp đun nấu, nằm xen kẽ trong khu dân cư. Với điều kiện thời tiết khô hanh có gió như hiện nay, chỉ cần một tàn lửa nhỏ cũng dễ gây cháy và lan nhanh sang các xưởng khác. Trong khi đó, đường vào làng hẹp, thiếu nguồn nước, nếu xảy cháy thì xe cứu hỏa rất khó tiếp cận.
Nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra hỏa hoạn ở làng nghề làm vàng mã, Phòng CS PCCC Thanh Trì khuyến cáo người dân nên tăng cường kiểm tra hệ thống điện và việc sử dụng điện, nguồn lửa bên trong nhà xưởng. Các mảnh giấy vụn, thừa khi sản xuất phải bỏ vào khu vực gần nguồn nước. Các ban ngành cần bố trí lực lượng thường trực vào ban đêm, phối hợp chặt chẽ với lực lượng PCCC để nhanh chóng phát hiện và xử lý tình huống nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Theo Thanh Hương
ANTD