“Hình như chính quyền luôn “bảo kê” cho quặng lậu”

daquynh |

Quá trình giải quyết vụ việc gần như chỉ dừng lại ở việc lập hồ sơ sau đó "bỏ xó".

Trao đổi với PV, ông Hoàng Văn Mão - Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn - cho biết: “UBND huyện Chợ Đồn đã tiến hành họp bàn kiểm điểm đối với tập thể, cán bộ, lãnh đạo và các cá nhân liên quan đến vụ tài nguyên quặng trên địa bàn bị đánh cắp ngang nhiên tại đèo Kéo Lếch gồm: Lãnh đạo UBND huyện, lãnh đạo Phòng Tài nguyên - Môi trường, Công an huyện và công an viên phụ trách địa bàn. Ngoài ra, trực tiếp chủ tịch UBND 2 xã Nghĩa Tá và Lương Bằng cùng cán bộ liên quan cũng phải làm kiểm điểm”.

Ông Hoàng Văn Mão (ảnh trái) trong buổi làm việc với báo chí về mỏ quặng lậu trên đèo Kéo Lếch.

Theo ông Mão, địa phương có nhiều cấp và nhiều đơn vị chức năng cũng như cán bộ phụ trách địa bàn nhưng không hề thấy ai báo cáo sự việc lên lãnh đạo huyện. “Ngay cả UBND xã Nghĩa Tá, khi phát hiện sự việc từ tháng 7/2011 đã tiến hành lập biên bản nhưng lập xong rồi lại “cất kho” mà không hề báo cáo cho chúng tôi biết”, ông Mão nói.

Ông Mão cho rằng, vụ việc nhiều khả năng bị bưng bít, có thể có sự tiếp tay của lực lượng công an địa phương cũng như các chốt kiểm tra xe chở hàng trên đường 254 thuộc huyện Chợ Đồn.

Theo ước tính, khối lượng quặng bị các đối tượng khai thác trái phép mang đi tiêu thụ phải lên đến hàng chục triệu tấn. Theo một nguồn tin mà PV cập nhật được, trung bình mỗi tháng “quặng tặc” bỏ túi trên dưới 10 tỷ đồng, nếu tính cho 1 năm thì số quặng bị ăn cắp sẽ rất lớn và số tiền trị giá tài nguyên quốc gia bị đánh cắp lên đến trên dưới trăm tỷ đồng.

Mỏ quặng lậu được các đối tượng khai thác trái phép phân loại cẩn thận như một mỏ khai thác chính quy.

Khi tiếp nhận thông tin về vụ ăn cắp tài nguyên quốc gia “động trời” xảy ra trên địa bàn huyện Chợ Đồn, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết thêm, chuyện khai thác quặng bừa bãi tại Bắc Kạn đã được nhắc đến từ nhiều năm nay và các cơ quan ban ngành đều biết. Sự việc phát hiện mỏ quặng “lậu” khổng lồ tại huyện Chợ Đồn như báo chí phản ánh mới đây chỉ là đốm lửa thổi bùng ngọn đuốc đang âm ỉ cháy tại vùng đất “hái ra tiền” này.

Theo ý kiến của GS Võ, tình trạng Bắc Kạn “bảo kê” cho khai thác quặng kể cả có phép lẫn trái phép đã lan rộng đến mức báo động. “Tôi đã từng nói, trước đây Bắc Kạn vốn “ngủ yên” giữ được vẻ thuần khiết của thiên nhiên với phong tục độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số thì nay điều đó gần như hoàn toàn biến mất. Đồng tiền đem theo cơn lũ khai thác quặng đã “đào bới” tất cả đất đai của người dân nơi đây biến nó thành những bãi chiến trường. Tôi có cảm giác, chính quyền luôn đứng ra “bảo kê” cho những đơn vị khai thác quặng trái phép này” - GS Võ thẳng thắn nhận định.

Mỏ quặng lậu khổng lồ tại đèo Kéo Lếch có trữ lượng sắt khá cao.

Trường hợp như báo chí mới “phanh phui” về mỏ quặng “lậu” tại Chợ Đồn còn nghiêm trọng hơn. Rõ ràng, số quặng ở đây đã được khai thác không phép, thậm chí còn “núp bóng” thuê đất trồng rừng. Mức độ vi phạm, phá hoại tài nguyên quốc gia còn cao hơn gấp nhiều lần. Cấp huyện có thể “quan liêu” một chút không biết còn hiểu được, cấp tỉnh ở xa không nghe tin cũng có thể cảm thông, nhưng cấp xã không biết thì thực sự là chuyện nực cười. Có điều, họ có muốn biết, muốn công khai hay không là cả một vấn đề cần kiểm tra. Liên quan đến sự việc “động trời” này, cần kiểm điểm rõ trách nhiệm các bên từ phía “doanh nghiệp” cho đến chính quyền” - GS Võ nhấn mạnh.

Cũng theo quan điểm của nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, trong tình trạng hiện nay, Bộ TN&MT cũng nên cử ngay đoàn thanh tra về Bắc Kạn để kiểm tra, làm rõ sự việc, xử lý nghiêm minh trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương. Đặc biệt là không nên tiếp tục để tài nguyên quốc gia bị xâm hại ngày càng bị nghiêm trọng thêm.


Theo Dantri.com.vn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại