Chị Uôn đã ký cam kết với quản lý thị trường không bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, cho biết người đưa hàng không rõ nguồn gốc vô thị trường tìm đủ cách để lọt vào chợ.
Ông Trần Hữu Lễ, chuyên gia nghiên cứu chợ truyền thống thuộc trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cho rằng người bán hàng Trung Quốc khai thác tâm lý đặt lợi nhuận lên trên hết của không ít tiểu thương. Một số nơi nhận sữa Hoà Lan (tên do người giao hàng đặt) nguồn gốc Trung Quốc, nói là sữa nguyên kem chào bán cho các chợ, thậm chí chào mời trường mầm non: loại 500g, giá 40.000 – 45.000 đồng/bịch.
Theo ông Lễ, sữa Trung Quốc chen vào thị trường chủ yếu do kiến thức, thói quen, tâm lý ham rẻ, sở thích uống sữa tăng trọng nhanh. Người bán sữa không rõ nguồn gốc với giá rẻ và cứ gọi là sữa nguyên kem, trẻ tăng cân liền nhưng trong đó là chất gì thì không ai xác định. Quản lý thị trường và ban quản lý các chợ cần giám sát các điểm bán sữa ở chợ, tập huấn cho tiểu thương về hàng thật, hàng giả, hàng nhái, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam truyền thông đến người bán hàng và người tiêu dùng cuối cùng. Ở các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, Vinamilk tư vấn sức khoẻ dinh dưỡng nhưng có lẽ nên phổ biến kiến thức về tiêu dùng sữa và kiến thức dinh dưỡng toàn diện cho dân nông thôn.
Ông Lễ nói các doanh nghiệp tổ chức hội thảo, hội nghị… chỉ loanh quanh thành thị thì truyền thông sữa thật, sữa giả và tác hại của nó khó tới nông thôn.
Ở làng bánh kẹo Ba Rích (quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ) nổi tiếng, ông Hưng, chủ cơ sở Liên Hưng, có bốn nhà máy sản xuất bốn mặt hàng bánh xốp và bánh dẻo các loại. Ông Hưng cho biết: “Hàng chục công ty kinh doanh bột, sữa ở Bình Dương, TP.HCM xuống tận cơ sở để chào hàng. Chỉ có vài thương hiệu rõ ràng, còn lại là những cái tên lạ hoắc, chẳng có nguồn gốc xuất xứ, giá bán thấp hơn các mặt hàng có thương hiệu. Nhưng thương hiệu của chúng tôi lâu đời, không thể phiêu lưu”.
Theo H.L – L.H.Y
SGTT