Đau đáu chờ đi Hàn Quốc
Sau nhiều năm làm công nhân, đầu năm nay, chị NTT quyết định nghỉ việc, đăng ký học tiếng Hàn cấp tốc tại TP.HCM để kịp dự kỳ thi tiếng Hàn vào tháng 8. Thế nhưng kỳ thi không diễn ra như dự kiến khiến chị cùng hàng chục học viên cùng lớp bị hụt hẫng.
Chị T. cho biết tổng chi phí cho khóa học cấp tốc kéo dài ba tháng mất đứt mười mấy triệu đồng, bao gồm tiền học phí, tài liệu, tiền trọ, ăn uống, đi lại… Đó là số tiền mà chị chắt chiu trong nhiều năm trời làm lụng để tìm cơ hội làm giàu thế nhưng học xong đành ngậm ngùi ngồi chờ. Trong khi đó, kiến thức tiếng Hàn của chị thì ngày càng mai một vì không có thời gian ôn luyện. “Đến khi tổ chức thi tiếng, chắc tôi phải bỏ tiền đi học tiếp nữa quá!” - chị T. than thở. Hiện chị đã quay về công ty cũ xin tiếp tục làm việc, chờ cơ hội thị trường này mở cửa trở lại sẽ tiếp tục dự thi tiếng Hàn để sang đó làm việc.
Tương tự, chị NTL (quê Quảng Bình) từng có một tiệm hớt tóc với thu nhập cũng hòm hòm ở quê nhà. Rồi chị quyết định dẹp tiệm, đăng ký đi học tiếng Hàn. Qua người dắt mối, chị được “cò” trong vùng mách nước đặt cọc trước 50 triệu đồng đảm bảo đậu. Nhận quyết định mới, chi chua xót: “May mà có tờ giấy nhận tiền nên lấy lại được tiền cọc. Riêng khoản chi phí cho khóa học tiếng Hàn ba tháng mất đứt hơn 20 triệu đồng”.
Lao động đăng ký danh sách trong một kỳ thi tiếng Hàn tại TP.HCM
Hệ lụy cho người tìm cơ hội
Trước thực trạng lao động Việt Nam tại Hàn Quốc bỏ trốn, gần đây Cục Quản lý lao động đã làm việc với ba địa phương Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, nơi có nhiều lao động bỏ trốn, qua đó để tìm hướng giải quyết. Song song đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã cử đoàn công tác sang Hàn Quốc để đàm phán việc tiếp nhận lao động Việt Nam.
Khi nào thì phía Hàn Quốc mở lại kỳ thi tiếng Hàn, ông Minh cho biết họ đang xem xét những động thái từ phía Việt Nam, nếu có thay đổi tích cực mới đưa ra quyết định cụ thể.
Theo Phong Điền
(Pháp luật TP.HCM)