Hàn Quốc có thể ngừng nhận lao động Việt Nam

vytran |

Lý do là vì lao động Việt Nam bỏ trốn quá nhiều.

Bỏ trốn và nhảy việc

Hai vấn đề bất ổn khi Hàn Quốc tiếp nhận lao động Việt Nam là lao động thường xuyên nhảy việc và bỏ trốn khi sắp hết hạnhợp đồng. Sự việc lên đến đỉnh điểm khi mới đây, 22 lao động Việt Nam đã bỏ trốn ngay khi đặt chân đến sân bay, làm thủ tục nhập cảnh tại Hàn Quốc gây bức xúc cho các doanh nghiệp tuyển dụng và cả các cơ quan chức năng của Hàn Quốc.

Ngoài việc bỏ trốn, lao động Việt Nam tại Hàn Quốc còn hay nhảy việc(Ảnh: Người lao động).

Đa phần số lao động này đều cư trú tại 3 huyện Nghi Xuân, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Đây cũng được xem là nguyên nhân khiến phía Hàn Quốc quyết định hoãn cuộc thi kiểm tra tiếng Hàn vào ngày 7/8.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thanh Hòa cũng vừa phải ký văn bản yêu cầu UBND tỉnh Hà Tĩnh dừng tuyển lao động đi Hàn Quốc làm việc theo Chương trình hợp tác lao động với Hàn Quốc (EPS) tại 3 huyện: Nghi Xuân, Kỳ Anh và Cẩm Xuyên. Lý do dừng tuyển bởi đây là những huyện có số lao động bỏ trốn cao tại thị trường Hàn Quốc.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết: Việc phía Hàn Quốc dừng tiếp nhận lao động Việt Nam, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của những người lao động tại địa phương nói trên mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng chục nghìn lao động của các địa phương khác trong cả nước.

Theo thống kê của của Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc, trong tổng số 60.000 lao động Việt Nam hiện đang làm việc tại Hàn Quốc, có tới 8.150 người đang cư trú bất hợp pháp (chiếm khoảng 14,8%), đứng đầu về số lượng so với các quốc gia phái cử (Trung Quốc 5.100 người, Philippin có 4.958 người, Indonesia là 3.728 người, Mông Cổ 3.515 người, Thái Lan 3.216 người).

Ngoài ra, tỷ lệ lao động yêu cầu đòi chuyển đổi chỗ làm việc của lao động Việt Nam cũng ở mức cao (chiếm 32%), nghiêm trọng hơn là tình trạng người lao động bỏ trốn ngay sau khi nhập cảnh Hàn Quốc cũng đang tăng lên đáng kể, đã ảnh hưởng xấu đến việc phát triển thị trường lao động Hàn Quốc.

Trước tình trạng Hàn Quốc có nguy cơ tạm ngừng tuyển lao động Việt Nam, Bộ LĐTB&XH cũng đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình lao động Việt Nam tại Hàn Quốc.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân, nếu không khắc phục được tình trạng lao động bỏ trốn, cơ hội việc làm của người lao động ở Hàn Quốc sẽ ngày càng thu hẹp dần, thậm chí phía bạn có thể áp dụng biện pháp dừng thực hiện Thỏa thuận đã ký kết với ta.

Bộ LĐTBXH cũng đã cử đoàn công tác sang Hàn Quốc để làm việc với Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc, Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc, Cơ quan cảnh sát quốc gia… để nắm tình hình và trao đổi các biện pháp phối hợp, đồng thời hoàn thiện “Đề án ngăn ngừa tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc”.

Bộ LĐTBXH cũng cho biết, sẽ thực hiện thay đổi cách thức tuyển chọn lao động; nghiên cứu, áp dụng các biện pháp hành chính như hạn chế số lượng lao động đăng ký kỳ kiểm tra tiếng Hàn đối với những địa phương có tỷ lệ lao động bỏ trốn, sống bất hợp pháp cao.

Dừng tuyển lao động sang Hàn Quốc chỉ là tạm thờiTrước tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc, ông Jung Jin Young, Giám đốc Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết: Hàn Quốc đang yêu cầu Việt Nam đưa ra nhiều biện pháp để ngăn chặn lao động bỏ trốn nên việc ngừng không cho phép chỉ là biện pháp nhất thời.

Tuy nhiên, để có các biện pháp lâu dài, Việt Nam phải tiếp tục tuyên truyền rộng rãi hơn nữa quy trình của chương trình EPS để người dân nắm rõ.

Ông Jung Jin Yuong cũng cho rằng: Người lao động cũng không nên quá thất vọng về việc không được thi tiếng Hàn mà hãy nghĩ học tiếng Hàn tốt rồi thì có thể nộp hồ sơ xin việc ở những doanh nghiệp của Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam.

Ông Jung Jin Yuong cũng nói thêm, Chính phủ Hàn Quốc đề cao những biện pháp và đề án phía Việt Nam đưa ra nhằm hạn chế tình trạng lao động bỏ trốn. Do vậy, vấn đề dừng kỳ thi kiểm tra tiếng Hàn ở Việt Nam cũng chỉ là tạm thời. Vì hiện ở Hàn Quốc, vấn đề lao động cư trú bất hợp pháp không phải chỉ có lao động của chương trình EPS mà người bỏ trốn còn ở các chương trình khác như sang du học, du lịch, làm kỹ sư cũng bỏ trốn...

Đây là vấn nạn chung đang xảy ra tại Hàn Quốc chứ không phải chỉ do lao động Việt Nam.

“Việt Nam là nước có số lượng nhiều nhất cho nên Hàn Quốc đưa ra biện pháp ngừng thi kỳ thi tiếng Hàn cũng chỉ là một biện pháp để cảnh cáo các nước khác. Với suy nghĩ đây là biện pháp tạm thời nên Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc vẫn có ý định đầu tư tiếp vào Việt Nam để thi tiếng Hàn”, ông Jung Jin Yuong khẳng định.

Ông Jung Jin Yuong, giám đốc Trung tâm phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết:Từ tháng 3-2011, phía Hàn Quốc đã thông báo cho Việt Nam biết tình trạng lao động cư trú bất hợp pháp gia tăng nên cần phải có biện pháp để xử lý. Với yêu cầu đó, vào tháng 4-2011, Việt Nam cử một đoàn công tác sang Hàn Quốc làm việc tìm hiểu thực địa. Khi trở về họ đã xây dựng một đề án để ngăn chặn lao động cư trú bất hợp pháp. Việt Nam cũng đã tổ chức hội thảo để lấy ý kiến về vấn đề này. Đến nay đề án hình như đã được phê duyệt rồi.

Điều này cho thấy, chính phủ Việt Nam cũng đang rất nỗ lực cùng với Chính phủ Hàn Quốc ngăn chặn tình trạng lao động cư trú bất hợp pháp. Chủ sử dụng lao động Hàn Quốc vẫn rất muốn tuyển lao động Việt Nam cho nên là Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc cũng đang xem xét là có nên tổ chức kỳ thi tiếng Hàn nữa hay không.

Lao động Việt Nam tại Hàn Quốc mỗi năm gửi về nước 600 triệu USD

Qua 6 năm thực hiện thỏa thuận giữa chính phủ hai nước, chương trình cấp phép lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS) đã thu hút sự quan tâm hàng đầu của lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài.

Lao động Việt Nam cũng được chủ sử dụng Hàn Quốc đánh giá cao, trở thành nước dẫn đầu trong 15 quốc gia phái cử lao động, chiếm 25% tổng số lao động theo chương trình này của Hàn Quốc. Hàng năm, thu nhập của người lao động từ Hàn Quốc gửi về nước khoảng 600 triệu USD đã tạo cơ hội thay đổi cuộc sống của nhiều gia đình.

Theo VietNamNet

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại