Sáng 30/1 (mùng 8 Tết) người dân làng Thị Cấm xã Xuân
Phương (Từ Liêm, Hà Nội) lại quây quần dự hội thi thổi cơm bằng rơm và
củi.
Ngay từ sáng sớm, người dân làng Thị Cấm xếp ghế ngồi vây quanh sân đình chờ đón xem những tiết mục trổ tài thổi cơm bằng bếp kiềng ba chân.
Tham dự cuộc thi có 4 đội của thôn. Bốn trẻ em được giao nhiệm vụ chạy thi lấy nước về vo gạo và nấu cơm.
Sử sách ghi lại, từ đời vua Hùng thứ 18, có đôi vợ chồng tướng tiên phong là Phan Tây Nhạc và Hoa Dung dẫn quân qua làng đi dẹp giặc. Dân làng xin đi theo nên Tướng quân bèn mở cuộc thi thổi cơm để chọn ra người nuôi quân giỏi.
Sau đó ông mất và được tôn làm Thành hoàng làng. Từ đó trở đi, để tưởng nhớ Tướng quân, cứ đến mùng 8 Tết, người dân Thị Cấm lại tổ chức thi tài nấu cơm giỏi.
Theo truyền thống, dân làng thường nấu cơm bằng niêu đặt trên kiềng ba chân, đốt bằng rơm hoặc củi. Cơm nấu kiểu này thường được khen ngon hơn nhiều so với nấu kiểu công nghiệp thời hiện nay. Hạt cơm trắng và thơm nếu người nấu khéo léo xử lý ngọn lửa.
Các đội cố gắng làm sao cho cơm của đội mình ngon nhất, chín đều mà không bị khê.
Sau đó mọi người đốt rơm để lấy tro ủ quanh niêu.
Một thí sinh vừa xử lý niêu cơm vừa dùng khăn lau mũi vì ngạt khói.
Quang cảnh đình làng Thị Cấm trong khi hội thi diễn ra.
Hết thời gian quy định, các bậc cao niên trong làng mang mâm đi bưng niêu về chấm điểm.
Cơm xới ra bát thắp hương và chấm điểm. Niêu nào cơm dẻo và thơm nhất sẽ đoạt giải nhất kèm theo phần thưởng trị giá vài chục nghìn đồng cùng cờ lưu niệm.
Bốn bát cơm được đặt trên ban thờ cúng tổ tiên trước giờ chấm điểm. Người thắng giải tin tưởng năm mới sẽ phát tài và may mắn.
Theo Hoàng Hà
VNE