Hà Nội nên tạm dừng đổi giờ

camnhung |

Cảnh ùn tắc tái diễn nặng nề vài ngày gần đây cho thấy, chủ trương đổi giờ của Hà Nội đã không đạt được mục tiêu ban đầu.

Ùn tắc không đổi

Vài ngày đầu khi áp dụng đổi giờ, giao thông Hà Nội có cảnh sáng thông thoáng, chiều ùn ứ. Nhưng cảnh khá dễ thở này do sinh viên và một lượng lớn lao động nhập cư chưa lên hết sau tết.Tuy nhiên, ngày 6.2, Hà Nội quay lại cảnh ùn tắc như trước đây.

Theo khảo sát, 5 giờ chiều ngày 6.2, khi học sinh THPT và sinh viên đang trong trường, thì hàng loạt tuyến đường rơi vào cảnh ùn tắc nặng nề. Cụ thể, đường Nguyễn Lương Bằng - Tây Sơn ùn tắc kéo dài, ngã tư Thái Hà - Chùa Bộc - Tây Sơn ô tô xếp hàng hai, hàng ba, trong khi người đi xe máy phải lao cả lên vỉa hè để thoát thân.

Nhiều điểm đen khác như La Thành, Trường Chinh, Xuân Thủy - Cầu Giấy cũng ùn tắc kéo dài. Trong khi đó, báo cáo nhanh 5 ngày thực hiện đổi giờ, Sở GTVT Hà Nội vẫn khẳng định, mật độ giao thông giờ cao điểm đã giảm đáng kể tại một số tuyến đường như Trường Chinh, Chùa Bộc, Tây Sơn, Phạm Ngọc Thạch, Đại La, Trương Định, Nguyễn Trãi, Nguyễn Lương Bằng, Xuân Thủy - Cầu Giấy... (?).

Sau đổi giờ, đường Hà Nội vẫn tắc. Ảnh chụp chiều ngày 7.2- Ảnh: Ngọc Thắng

Sáng 7.2, nhiều điểm trên địa bàn Hà Nội như Giảng Võ, Đê La Thành, Khâm Thiên, Nguyễn Lương Bằng, Thái Hà, Nguyễn Thái Học, Kim Mã... lưu lượng phương tiện giao thông ùn ứ và tắc nghẽn. 8 giờ 15, đường Nguyễn Thái Học - Kim Mã - ngã tư Cửa Nam, phương tiện giao thông vẫn đông đúc và nhích từng bước một.

Đáng chú ý, theo Phòng CSGT Hà Nội, đã phát sinh thêm nhiều điểm ùn tắc mới như Phan Đình Phùng, Lý Thái Tổ, Thụy Khuê, Phương Mai... do phụ huynh học sinh tập trung đón con vào lúc 5 giờ chiều.

Nên tạm dừng áp dụng

Trước hàng loạt bức xúc của đại diện các trường và một số cơ quan chức năng tại cuộc họp bàn về đổi giờ học, giờ làm ngày 6.2, Thành ủy Hà Nội đã đi đến kết luận, sẽ tính toán điều chỉnh lại giờ tan học buổi chiều từ 19 giờ lên 18 giờ.

TS Nguyễn Xuân Thủy, một người gắn bó hơn 30 năm với ngành giao thông cho rằng, tác động của việc đổi giờ với ùn tắc không đáng bao nhiêu. Theo TS Thủy, học sinh - sinh viên không phải đối tượng tham gia giao thông chủ yếu (người đi lại chính trên đường là người vãng lai, buôn bán nhỏ lẻ, giới công chức), nên việc đổi giờ hướng vào đối tượng này không mang lại nhiều hiệu quả, lại ảnh hưởng, xáo trộn đến sinh hoạt. “Mục tiêu lệch giờ để giảm ùn tắc là tốt, nhưng hiệu quả thấp, nên điều chỉnh lại, đặc biệt giờ tan học 19 giờ hiện nay. Nếu Hà Nội cầu thị điều chỉnh sớm ngày nào các em học sinh và phụ huynh đỡ vất vả ngày đó”, ông Thủy nhìn nhận.

Theo TS Khuất Việt Hùng, Viện Quy hoạch và quản lý GTVT (Trường đại học GTVT Hà Nội), phương án đổi giờ học, giờ làm chỉ nên thực hiện nếu có nghiên cứu xây dựng mô hình giao thông, trên cơ sở kết quả khảo sát về sơ đồ hoạt động và chuỗi chuyến đi của các nhóm dân cư trong thành phố. Đặc biệt là các nhóm dân cư chịu ảnh hưởng trực tiếp của quyết định đổi giờ, để đảm bảo có thể tính toán được mức độ tăng, giảm nhu cầu đi lại trên các trục đường trong các giờ cao điểm.

Nhưng Hà Nội chưa làm khảo sát này đã tiến hành điều chỉnh.“Chính sách đúng nhưng thực hiện không đúng thì vẫn thất bại như thường. Theo tôi, nên mạnh dạn ngừng áp dụng việc đổi giờ để nghiên cứu lại cho cẩn thận”, ông Hùng nhận định.

Ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh

BS Nguyễn Minh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần T.Ư cho rằng, thay đổi giờ học với học sinh, nhất là học sinh THPT đang gây một xáo trộn rất lớn và ảnh hưởng trước hết là sức khỏe của các cháu.Các cháu dậy sớm hơn; tan học về nhà muộn hơn kéo theo việc ăn uống, học bài phải thức khuya hơn, rồi ngày mai lại dậy sớm hơn cho kịp giờ học. Trong khi đây là lứa tuổi chuẩn bị thi vào đại học, lượng bài học tăng thêm và việc đi học thêm chắc chắn là hầu hết với các cháu.

Do những thay đổi này, việc chờ đợi đưa đón con sẽ kéo dài hơn. Có thể việc thông thoáng hơn không còn ùn tắc trên đường vào một số giờ cao điểm nhưng thời gian thực tế phải lưu thôngđi lại trên đường thì có lẽ lại tăng lên do việc chờ đợi, đưa đón con.Theo tôi, nếu điều chỉnh thì nên với các sinh viên vì các em học, sinh hoạt ký túc xá gần trường và được sử dụng phương tiện giao thông cá nhân bên cạnh phương tiện công cộng, không phải phụ thuộc nhiều cha mẹ đưa đón.

Liên Châu(ghi)

Giáo viên ngao ngán

Cô Nguyễn Như Hương, giáo viên dạy văn Trường THPT Phạm Hồng Thái, Q.Ba Đình cho hay: Trường tôi có tới 3/4 là giáo viên trẻ, có con nhỏ đang học mẫu giáo, phổ thông; một số người cả hai vợ chồng đều là giáo viên, người thì chồng hoặc vợ làm việc xa nhà... nên việc đổi giờ học từ 7 giờ sáng đến 19 giờ khiến những giáo viên này vô cùng khó khăn. Thuê người đưa đón con thì không phải ai cũng có điều kiện và tìm được người đáng tin cậy để gửi gắm.

Theo một giáo viên Trường tiểu học Quang Trung, Q.Đống Đa: Bây giờ "nhờ" có giải pháp thay đổi giờ học mà mỗi ngày chúng tôi tăng thêm ít nhất 1 tiếng, trong khi đó lương không tăng. Đặc thù của tiểu học là chỉ có một giáo viên/lớp nên sau khi kết thúc cả ngày dạy học đã mệt nhoài nhưng chúng tôi phải có trách nhiệm “giữ” trẻ ở lớp thêm 30 phút nữa. Được một lúc thì học sinh kêu đói, kêu mệt... Mà không mệt sao được khi lớp học 51m2mà gần 50 cô trò ngồi, trời rét phải đóng cửa, thiếu không khí, còn cho chạy ra ngoài thì không kiểm soát được các cháu có an toàn không, cháu nào đã có bố mẹ đón về rồi...

M.Hà - T.Nguyễn

Theo Thanh Niên Online

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại