Câu hỏi này ập đến rất nhanh khi chỉ với hai trận mưa nhẹ nhàng đầu mùa mà các hầm qua đại lộ Thăng Long - được coi là hiện đại nhất Việt Nam - đã trắng nước, khiến nhiều phương tiện giao thông không thể lưu thông. Từ sự kiện này, câu hỏi âm ỷ lâu nay được dịp bùng phát: Quy hoạch và phát triển thế nào mà phố vẫn thành “sông”, đường mới khánh thành mà hầm chui đã ngập?
Mỗi khi có những trận mưa lớn, đường phố Hà Nội lại thành sông. Ảnh: Kỳ Anh
Trung tâm thủ đô Hà Nội có địa thế thấp, được bao bọc bởi sông Hồng, sông Nhuệ, sông Tô Lịch, do đó, trong lịch sử Hà Nội chịu ảnh hưởng nặng nề bởi úng ngập vào mùa mưa. Nhưng đáng nói là, trước đây tuy chưa có hệ thống thoát nước được Tổ chức JICA (Nhật Bản) giúp, nhưng sự úng ngập cũng chưa đến mức nặng nề như hiện nay, bởi hệ thống hồ, ao, sông, ngòi của Hà Nội là rất lớn...
Lề mề...
Dù đã được cảnh báo rất sớm, nhưng một loạt hồ, ao của Hà Nội đã bị lấp, thay vào đó là các công trình xây dựng. Kết quả, mật độ dân số tăng nhanh, chỗ thoát nước tự nhiên bị mất đi còn nhanh hơn nữa. Hậu quả, úng ngập ngày càng nặng là điều mà mọi người đều thấy. Nếu như nhiều sai lầm phải vài chục năm sau hoặc vài thế hệ mới thấy hết, nhưng với việc lấp ao hồ này thì nó lồ lộ ngay từ khi chôn vùi nó. Vậy mà... Và để khắc phục hậu quả này không dễ dàng, nhiều khi là bất khả thi và phần lớn các biện pháp thoát nước hiện nay vẫn là các giải pháp tình thế.
Để khắc phục phần nào tình cảnh này, Tổ chức JICA (Nhật Bản) đã giúp Việt Nam xây dựng quy hoạch tổng thể về thoát nước và xử lý nước thải Hà Nội. Quy hoạch này được thiết lập xong năm 1995 và đã được Thủ tướng phê duyệt. Theo đó, 10 năm sau (năm 2005), dự án này sẽ hoàn thành và có thể tiêu thoát được lượng nước mưa 310mm/2 ngày, nhưng đến khi có dự án này rồi thì việc triển khai cũng rất chậm chạp.
Đến năm 2005, thay vì xong cả dự án thì chúng ta mới triển khai xong giai đoạn 1 của dự án với khả năng tiêu thoát nước 172mm/2 ngày cho khu vực nội đô! Theo đánh giá của chính những người trong cuộc, giai đoạn 1 thành công và đúng nhất là tiến hành xây dựng trạm bơm Yên Sở.
...hệ quả và những câu hỏi
Nhưng, với trận mưa lớn năm 2008, cả nước ngỡ ngàng khi đài truyền hình phát đi những hình ảnh thuyền bè đi lại tấp nập trên nhiều tuyến phố thủ đô và trạm bơm Yên Sở - nơi có nhiệm vụ bơm thoát úng cho Hà Nội - chỉ một chút nữa cũng chìm trong nước nếu không có những bao cát quây kịp thời quanh trạm bơm. Việc xây dựng trạm bơm ở cốt thấp như vậy thì thật khó hình dung và khó mà thông cảm. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi: Việc đánh giá tổng thể khi xây dựng dự án liệu đã chuẩn chưa hay do cách triển khai thực hiện không đúng như thiết kế?
Mới mưa đầu mùa, các hầm qua đại lộ Thăng Long cũng thành “sông”! Ảnh: Tiến Dũng
Ý tưởng của dự án thoát nước của JICA là chia thành phố Hà Nội (cũ) thành 8 khu vực, mỗi khu vực xây dựng một trạm xử lý nước thải lớn. Nếu triển khai thực hiện tốt thì không chỉ đảm bảo vệ sinh môi trường chung, mà hệ thống thoát nước được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, đến nay mới triển khai được 2 trạm xử lý nước thải. Nhưng các khu vực khác, như nhiều người trong cuộc đang lo ngại, rất khó tìm đất để xây dựng các trạm xử lý nước thải.
Vậy một câu hỏi đặt ra, mỗi trạm nước thải tốn bao nhiêu diện tích và thực sự Hà Nội có thiếu đất tới mức đó? Chắc chắn là không. Bởi người dân vẫn thấy hằng ngày rất nhiều dự án được khởi công với diện tích hàng chục hécta. Vậy đâu là lý do? Điều trớ trêu là hầu hết các đô thị hiện đại như Mỹ Đình, Trung Hòa - Nhân Chính, Định Công... cứ mưa to là ngập! Về nguyên nhân, theo cán bộ của Cty cấp thoát nước, thì hệ thống thoát nước của các khu vực này tuy được làm khá bài bản, nhưng việc kết nối với hệ thống chung của thành phố lại... bị bỏ lửng. Điều này cũng giống như hệ thống giao thông trong nội bộ các khu đô thị mới tuy khá hoàn hảo, nhưng muốn ra khỏi khu đô thị mới để hòa vào hệ thống giao thông thành phố là tắc nghẽn và lại thuộc diện tắc nghẽn nặng nề nhất thủ đô, trong đó điển hình nhất là khu đô thị Linh Đàm, Định Công. Phải chăng mạnh ai nấy làm, còn hậu quả thì dân chịu?
Theo Lao Động