Giật mình với những cảnh tiều tụy nhất trong lòng thủ đô

hoanghuyen |

Những ngôi nhà rách nát, những số phận dưới gầm cầu, những con đò đón khách qua sông...là những gì vẫn tồn tại hàng ngày giữa đời sống Hà Nội.

Những khu nhà ổ chuột len lỏi khắp phố phường

Điển hình là khu tập thể được xây dựng từ những năm 50-60 của thế kỷ trước ở phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng, nay đã xuống cấp rất nhiều.

Đây từng là nơi sinh sống của công nhân nhà máy dệt 8/3, nhà máy rượu Hà Nội và một bộ phận nhỏ làm cán bộ lãnh đạo nhà máy. Nay, hầu hết người dân ở đây làm nghề tự do hoặc là những người già đã về hưu.

Khu Quỳnh Mai. Ảnh: URS

Điều kiện nhà ở thì quá nghèo nàn, chật hẹp, thiếu ánh sáng và độ thông thoáng kém. Nhiều hộ có diện tích ở chỉ có 6-12 m2 cho cả gia đình 5 - 7 người sinh sống. Chuồng cọp từ đó đã “tự động mọc lên” để người dân có thêm một chút không gian riêng.

Chuồng cọp, Ảnh: URS

Họ không đủ chỗ để kê giường, mà phải trải chiếu để ngủ, ngủ xong lại gấp chiếu lại để lấy chỗ sinh hoạt. Một tầng của nhà chung cư có khoảng 80 người ở mà phải dùng chung một nhà vệ sinh có diện tích khoảng 10 m2 bao gồm bể nước, buồng tắm, chỗ giặt giũ và nhà xí.

Giật mình với những cuộc đời bị chôn chặt dưới những khe cầu

Dù có tồi tàn, rách nát thì những người dân sống trong những khu nhà ổ chuột này vẫn có nơi để sinh hoạt, che mưa che gió, vẫn có một nơi được gọi là "định cư".

Song, ít ai biết rằng Hà nội còn có rất nhiều những số phận trôi dạt, lạc lõng, sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Đó là cuộc sống của những con người dưới những khe cầu Thăng Long.

Nơi mà anh Tuân đang sống được chia thành các ô nhỏ, mỗi ô có chiều dài khoảng hơn 1m, còn chiều cao không quá 80 cm nên chỉ có thể nằm, nếu muốn ngồi thì phải khom lưng.

“Nhà” kế bên, “hàng xóm” với anh Tuân là anh Hưng, quê Thái Bình, cũng sống ở khe cầu này được hơn 4 tháng.

Lặng lẽ với những ồn ào của phố xá Hà Nội. Họ cũng mong một ngày có đủ tiền để thoát khỏi những "gian nhà" này.

Ngoài ra, trong các con hẻm, ngóc ngách phố phường vẫn còn những người nhặt rác, sửa xe, bán nước… đang chạy đua với thời gian tìm kế sinh nhai.

Chị Trần Thị Thanh tranh thủ nhặt rác bán kiếm tiền trong đêm 27 tết

Bà Nguyễn Thị Liều co ro bên gánh hàng rong trong đêm lạnh

Mót rác

Người Hà Nội vẫn dùng đò làm phương tiện đi lại


Ngày xưa ông Huấn làm nghề chài lưới trên sông Nhuệ. Hơn mười năm trở lại đây, sông Nhuệ thành con sông chết do rác thải toàn TP Hà Nội đổ ra. Tôm cá chết hết buộc ông phải chuyển nghề kéo dây thuyền đưa khách qua sông.

Những hôm nào ông Huấn mệt thì đứa con trai lớn là Tuấn đi kéo thay ông.

Khách của ông chủ yếu là các bà, các chị đồng nát, buôn bán vặt hàng ngày vượt sông về trung tâm Hà Nội mưu sinh.

Đằng sau cảnh người xe tấp nập, phố xá nhộn nhịp, cùng những toà cao ốc chọc trời của Hà Nội vẫn có những số phận lặng lẽ và bi đát "ẩn mình" trong cái vẻ hào nhoáng ấy.

Vẫn có những góc khuất của sự vất vả, tiều tụy của những con người không bao giờ dám mơ thấy 1 ngôi nhà 4 vách giữa lòng thủ đô. Vẫn còn đó những dòng sông chết cướp miếng sinh nhai của biết bao người lao động vì hậu quả của đô thị hóa. Ở đâu đó, vẫn có một Hà Nội như thế...

H. Huyền

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại