Thông tin đầu tiên phóng viên có được liên quan đến gói "thịt hổ khô" này từ phản ánh của chị Nguyễn Kiều T. (Khu đô thị Xala, Hà Đông - Hà Nội).
Chị T. cho biết, cách đây vài hôm, khi chuẩn bị sách vở cho con gái đang học lớp 4 tại một trường tiểu học trên địa bàn Hà Đông, thấy trong cặp cháu có một gói lạ.
Trên bao bì có in hình con hổ, nhãn mác đều ghi bằng chữ Trung Quốc, có logo (biểu tượng), nhãn ISO, IAP và một biểu tượng lồng chữ IQ... nhưng lại không đề ngày sản xuất và hạn sử dụng.
Chị T. gặng hỏi con gái thì được biết, con gái chị cùng nhiều bạn trong lớp mua ở quán hàng rong trước cổng trường. Những người bán hàng này nói gói thịt khô hổ sẽ chống được buồn ngủ trong lớp, lại có sức khỏe!?
Cùng với đó mỗi lần mua lại được thưởng một nhãn thẻ "chiến cơ siêu hạng" nên các cháu rất thích. Giá bán mỗi gói "thịt hổ khô" này là 3.000 đồng.
Hàng rong bán những món quà vặt hầu như không được kiểm định, kiểm tra chất lượng nhưng vẫn được nhiều học sinh tìm mua.
Nhận được thông tin đó, PV trực tiếp tìm đến nhà chị T. và được chị cho xem gói "thịt hổ khô" nói trên. Quan sát ban đầu thì gói "thịt hổ khô" được đóng trong túi nhựa kín, to bằng bàn tay. Màu sắc trang trí bắt mắt với biểu tượng nổi bật là hình con hổ. Ba chữ Trung Quốc in đậm trên bao bì tạm dịch là "Khô hổ thịt"...
Bên trong mỗi túi có khoảng hơn chục miếng "dạng thịt" màu đỏ hồng, được thái lát nhỏ như miếng khoai tây chiên. Nhấm có vị cay cay, chua chua, ngọt ngọt, nhai thấy dai như bóng bì khô.
Chị T. cho hay, sau khi phát hiện gói kẹo lạ này, chị đã cấm con không được mua nữa. Và cũng rất lo liệu loại thịt đó có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của con mình không?
Khảo sát tại các cổng Trường Tiểu học Mai Dịch (Cầu Giấy - Hà Nội), Tiểu học Định Công (Hoàng Mai - Hà Nội), Tiểu học Thành Công (Đống Đa - Hà Nội), nhiều sạp hàng bày bán nhiều loại thịt khô như: thịt trâu khô, thịt bò khô, thịt đà điểu khô và tất nhiên có cả gói "thịt hổ khô".
Tất cả đều mang nhãn mác Trung Quốc, không có nhãn phụ tiếng Việt. Các sản phẩm này có cả dạng khô, dạng cô đặc, dạng nước.
Em Trần Trọng Việt - học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Thành Công (Đống Đa - Hà Nội) cho biết, em và các bạn đều mua gói "thịt hổ khô" vì nó rẻ, ăn thấy dai dai, chua, cay, ngọt nên các bạn rất thích!
Gói hổ khô mà con chị T đã mua
Sẽ cho kiểm tra thông tin và sản phẩm
Trước thông tin nói trên, PV đã trực tiếp liên hệ với một lãnh đạo của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, được biết: Chi cục sẽ lập tức tiến hành kiểm tra thông tin trên. Đồng thời cũng khuyến cáo: người tiêu dùng nói chung và các bậc phu huynh nên thận trọng khi mua những sản phẩm không rõ xuất xứ, không có hạn dùng cho con em mình. Đặc biệt những mặt hàng bánh kẹo được bày bán rong, màu sắc lòe loẹt.
Khi hỏi một người bán hàng rong trước cổng Trường Tiểu học Định Công (Hoàng Mai) được biết, các "đại lý" vẫn mang hàng đến tận nơi giao với giá bán buôn nên chẳng biết nguồn gốc xuất xứ từ đâu!
Miếng thịt hổ khô.
Theo một "đầu nậu" từng sản xuất thịt bò khô "giả" thì hoàn toàn có thể chế "thịt hổ khô" từ bột mì, thịt lợn, hàn the và hóa chất tạo hương liệu.
Cụ thể, sau khi mua thịt lợn nạc, người ta sẽ phân loại thịt để làm thịt bò khô dạng sợi, hay "thịt hổ khô" dạng miếng theo độ lớn nhỏ và dày mỏng của miếng thịt. Công đoạn tiếp theo là ướp hàn the để thịt có độ tươi và săn. Cho nhiều hàn the thì thịt heo sẽ săn chắc gần như thịt bò. Rồi công nghệ làm màu, làm dai, tạo bột... được các chủ cơ sở trộn với hóa chất.
Như vậy có thể nói, việc trên thị trường xuất hiện loại "thịt hổ khô" không rõ nguồn gốc xuất xứ là có thật. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần phải sớm vào cuộc và tăng cường công tác thanh, kiểm tra để sớm loại những mặt hàng thực phẩm không đảm bảo chất lượng ra khỏi cộng đồng.