Sở Tài chính TP.HCM đang xem xét điều chỉnh giảm giá một số mặt hàng thực phẩm, thịt gia súc, gia cầm trong thời gian tới. Theo quy luật, tháng 9 hằng năm, lượng cầu và sức mua giảm mạnh. Do đó, mặc dù mới vào đầu tháng 8 nhưng một số DN bắt đầu tung ra các chương trình khuyến mãi để giữ thị phần. Vì vậy, giá cả thực phẩm đang có xu hướng giảm nhẹ.
Tiểu thương chủ động giảm giá
Một vị đại diện của Sở Công Thương nhận định thị trường đang vào tháng ăn chay, sức tiêu thụ thấp, giá cả lại đứng ở mức cao khiến cho tổng lượng cầu giảm mạnh. Vì vậy, giá cả các mặt hàng thực phẩm đang diễn biến thuận lợi, xu hướng giảm nhẹ.
Theo ghi nhận của phóng viên, trong tuần này, giá thịt heo hơi các trại chăn nuôi tiếp tục giảm còn 56.000 đồng/kg, heo mỡ 54.000 đồng/kg. Gà công nghiệp giảm còn khoảng 33.000 đồng/kg. Một số DN đã giảm giá bán lẻ thịt heo, gà dưới hình thức khuyến mãi. Công ty Phạm Tôn, San Hà giảm 7.500-9.000 đồng/kg, còn 50.000 đồng/kg. Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho biết giá bán các loại thịt heo Vissan giảm 2.000-4.000 đồng kéo dài từ nay đến ngày 3-9.
Một số DN cho biết hiện nguồn hàng thịt gia súc, trứng gia cầm đang tăng mạnh và giá đầu vào giảm. Cụ thể, nguồn trứng từ các tỉnh ĐBSCL về TP.HCM đang tăng mạnh, giá giảm. Thịt đông lạnh nhập khẩu trong tháng 7 cũng tăng trên 20% so với tháng trước, trong khi giá thế giới giảm mạnh… Nhu cầu tiêu dùng đối với thịt, trứng có xu hướng giảm do giá cả tăng cao. Do đó, các DN buộc phải giảm giá để kích cầu.
Cần chủ động chuẩn bị nguồn cung tốt ngay từ bây giờ để tránh giá thực phẩm quay đầu tăng giá vào dịp cuối năm. Ảnh: THANH HẢI
Theo Ban Quản lý chợ đầu mối Thủ Đức, lượng rau về chợ tăng 3.000 tấn/đêm, dao động ở mức 3.700-3.900 tấn. Giá bán sỉ các loại rau, củ quả không tăng. Nhìn chung, nguồn cung thực phẩm vẫn đảm bảo đủ mức cầu cho người dân TP nhưng tại các chợ bán lẻ vẫn có dấu hiệu bị làm giá hoặc điều chỉnh giảm không đáng kể. Điều này cho thấy khâu bán lẻ hàng hóa vẫn chưa có sự kiểm soát chặt chẽ nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Doãn Phú, Phó Giám đốc chợ đầu mối Bình Điền, cho biết thời gian qua thực phẩm đứng giá cao nên người tiêu dùng có xu hướng giảm lượng tiêu thụ. Do đó, tiểu thương tại các chợ nhỏ đã điều chỉnh giá giảm nhẹ chứ thực tế giá thực phẩm tại chợ đầu mối điều chỉnh không đáng kể. Theo ông Phú, trừ một số mặt hàng rau củ giảm đáng kể, còn lại các mặt hàng khác điều chỉnh không nhiều. Thậm chí mặc dù thịt heo tại chợ đầu mối giảm mạnh về nguồn cung nhưng giá gần như không điều chỉnh giảm. Điều này cho thấy xu hướng tiêu dùng giảm dẫn đến giá bán buộc phải điều chỉnh giảm.
Tránh các tác nhân gây tăng giá
Theo một vị đại diện của Sở Công Thương TP.HCM, từ nay đến những tháng cuối năm cần lưu ý đến tác động của giá vàng và USD với giá thực phẩm. Khi cả vàng và USD cùng ở tình trạng căng thẳng dễ dẫn đến giá cả thị trường ở nhiều lĩnh vực tăng mạnh. Trong đó, thị trường hàng tiêu dùng, lương thực thực phẩm vốn rất nhạy cảm sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn bởi yếu tố tâm lý từ giá vàng, USD. Vì vậy, không loại trừ khi giá vàng USD tăng sẽ dẫn đến giá lương thực thực phẩm nhảy múa. Điều này có thể nhìn thấy rõ qua nhiều năm. Vì vậy, việc chủ động về nguồn hàng rất quan trọng để tránh việc giá tăng.
Ông Vòng A Lộc, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính - Sở Công Thương, nhận định khi giá cả thị trường chững và giảm là do nguồn cung tăng, cán cân cung cầu được bảo đảm. Từ nay đến cuối năm, muốn tránh tình trạng tăng giá thì phải chủ động về nguồn cung. Nếu không làm tốt công tác chuẩn bị nguồn hàng, khi tỉ giá và giá vàng tăng mạnh thì việc tăng giá lương thực thực phẩm sẽ không tránh khỏi.
Tuy nhiên, ông Phú cho rằng các yếu tố nêu trên cũng không đáng lo ngại vì thực tế các nhà vườn và thương nhân đã ký kết với nhau chuẩn bị nguồn hàng ngay từ giữa năm nên lượng cung hàng cuối năm rất chủ động. Tuy nhiên, khi nhiều mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện nước, vàng - USD cùng tăng vào một thời điểm sẽ tác động mạnh đến tâm lý nông dân, thương nhân, người tiêu dùng. Nó sẽ tạo ra hiệu ứng tăng giá rất mạnh đối với thực phẩm. Vì vậy, một công thức bất biến đối với việc giữ giá là từ nay đến cuối năm, trong chính sách vĩ mô, Chính phủ không nên điều chỉnh tăng giá đồng loạt các mặt hàng thiết yếu cùng một thời điểm mà cần giãn khoảng cách tăng giá. Nhất là điều chỉnh vào những thời điểm nhạy cảm của giá vàng, USD. Vì khi đã hình thành mặt bằng mới, tiểu thương ít khi chịu điều chỉnh giá thực phẩm theo hướng quay đầu.
Ngoài ra, giá chênh lệch từ chợ đầu mối về các chợ luôn có một khoảng cách xa. Vì vậy, thu gần được khoảng cách này rất quan trọng. Thực tế, khi giá mọi mặt hàng tăng cao, nông dân không được hưởng lợi mà chủ yếu là tiểu thương đưa hàng từ chợ đầu mối về chợ lẻ được hưởng lợi.
Theo Pháp luật TP