Thứ trưởng đi taxi, xe ôm đến "trông không được đẹp"

Hoàng Đan |

Trong năm tới, Quốc hội yêu cầu hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, hạn chế mua sắm ô tô và từng bước thực hiện khoán xe công đối với một số chức danh.

Phát hành 3 tỷ USD trái phiếu Chính phủ ra quốc tế

Sáng 11/11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã điều hành phiên họp Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016.

Cụ thể, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.014.500 tỷ đồng, nếu tính cả 4.700 tỷ đồng thu chuyển nguồn ngân sách địa phương từ năm 2015 sang năm 2016 thì tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.019.200 tỷ đồng.

Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.273.200 tỷ đồng. Mức bội chi ngân sách nhà nước là 254.000 tỷ đồng tương đương 4,95% tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ đẩy mạnh giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, điều hành chi ngân sách nhà nước theo dự toán được giao.

Tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên của từng bộ, ngành, địa phương, giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết.

Hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, hạn chế mua sắm ô tô và trang thiết bị đắt tiền, từng bước thực hiện khoán xe công đối với một số chức danh. 

Thực hiện điều chỉnh tiền lương đối với người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động dưới hai triệu đồng/tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian công tác trước năm 1995, để lương hưu của các đối tượng này đạt mức lương cơ sở từ 1/1/2016.

Kết quả biểu quyết của các đại biểu QH.
Kết quả biểu quyết của các đại biểu QH.

Từ 1/5/2016, Chính phủ thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.150.000 đồng/tháng lên 1.210.000 đồng/tháng (tăng khoảng 5%) đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang.

Bảo đảm thu nhập của đối tượng có hệ số lương từ 2,34 trở xuống không giảm so với mức đang hưởng, riêng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công, tiếp tục giữ mức đã tăng 8% như đã thực hiện năm 2015. 

Phát hành 60.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để đầu tư các dự án, công trình sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ đã được Quốc hội quyết định.

Kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, trong điều hành cần có biện pháp tích cực để giảm bội chi và tăng chi trả nợ. 

Bổ sung 30.000 tỷ đồng vốn ODA ước giải ngân tăng so với kế hoạch vào dự toán chi đầu tư phát triển năm 2015.

Sử dụng 40.000 tỷ đồng tiền bán cổ phần sở hữu của Nhà nước tại một số doanh nghiệp để đầu tư phát triển.

Trường hợp ngân sách trung ương năm 2015 bị hụt thu, cho phép sử dụng không quá 10.000 tỷ đồng tiền bán cổ phần sở hữu của Nhà nước nhưng chỉ để cân đối, đáp ứng nhiệm vụ chi đầu tư phát triển.

Sử dụng 30.000 tỷ đồng đưa vào dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 để tăng chi đầu tư phát triển.

Thực hiện việc phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế với tổng mức phát hành tối đa là 3 tỷ USD.

Nên sớm khoán xe công

Bên hành lang Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, vấn đề khoán xe công đã được bàn và thảo luận trong một thời gian dài.

Hiện Chính phủ đưa ra phương án người có tiêu chuẩn được đưa đón bằng xe công thì sẽ thực hiện khoán phần kinh phí đó đưa vào lương.

“Cách làm đó cũng thuận lợi, giúp giảm chi phí bảo dưỡng, xăng xe và có thể giảm cả biên chế hợp đồng lái xe. Tính trên cơ sở Nhà nước phải bỏ ra với việc khoán thì khoán xe công tiết kiệm hơn rất nhiều”, ông Hiển khẳng định.

Về đối tượng được áp dụng khoán xe công, theo ông Hiển, đây là nội dung Chính phủ đang bàn vì chỉ áp dụng với một số chức danh nhất định (có thể tính toán áp dụng với người có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,3 trở xuống) và không phải với tất cả các loại xe công.

“Xe công còn có xe cứu thương, xe chở rác, xe công an, xe quân đội… Cái đó không thể khoán được mà là hoạt động có tính chất thường xuyên của Nhà nước để thực hiện việc quản lý quốc gia cũng như phục vụ.

Cái đó chỉ tiết kiệm bằng quản lý xăng xe để cho các loại xe được sử dụng đúng mục đích, đúng nhiệm vụ và tiết kiệm ở mức cao nhất”, ông Hiển cho biết thêm.

Việc khoán xe công ở một số chức danh, theo ông Phùng Quốc Hiển, là một bước khởi đầu để sau này khi cải cách tiền lương có tính toán cơ cấu trong lương phần chi phí cho người được tiêu chuẩn, chế độ theo quy định của Nhà nước.

Cơ chế khoán có thể áp dụng với người hưởng chế độ đưa đón có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,3 (tương đương Thứ trưởng) trở xuống.

Nói về việc vì sao phải có xe công, ông Hiển cho hay, đó là những chức danh khi đi làm việc mà khối lượng công việc cần phải sử dụng và cần đảm bảo an toàn.

Ông cho biết: “Nếu đặt ra trở thành một vấn đề chính sách thì đương nhiên sẽ phải thực hiện.

Còn nếu bảo tự xung phong thì cùng là thứ trưởng khi đến cuộc họp, đồng chí này đi xe công, đồng chí khác đi taxi, hay xe ôm đến thì trông cũng không được đẹp. Còn đồng loạt thì mọi người đều vui vẻ.

Trước đây ở Văn phòng Quốc hội cũng có một người là ông Trần Quốc Thuận đi xe ôm, nhưng ông Thuận cũng chỉ đi được khoảng 1 tháng lại trở về bình thường vì thấy không có quy chuẩn.

Nên phải quy chuẩn đi, chức danh đến đâu được đi và đã khoán là khoán”.

 
Đại biểu nguyễn sỹ cương
Chi phí mua xe, có người phục vụ là một phần, chi phí tiền xăng cho xe đó mới lớn. Tôi không biết Bộ Tài chính có con số nào cho thấy bình quân một xe công một năm sử dụng hết mấy trăm lít xăng. Nhưng tôi tin, đó là con số cực lớn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại