Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-la) đã bế mạc ngày 5.6 với việc các bên liên quan về vấn đề tranh chấp biển Đông đã đưa ra được những tiếng nói mạnh mẽ và rõ ràng.
Cần có cơ chế để tránh xung đột
Phát biểu tại Hội nghị, với sự tham dự của những người đồng cấp đến từ Việt Nam, Philippines và những bên khác tuyên bố chủ quyền đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, ngày 5.6, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt nói: "Trung Quốc cam kết duy trì hòa bình và ổn định trên biển Đông. Tình hình trên biển Đông vẫn ổn định. Sự tự do đi lại trong khu vực này chưa bao giờ bị cản trở".
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen (trái) tại hội nghị .
Cũng tại Hội nghị, ông Lương Quang Liệt đã kêu gọi đảm bảo "tính dân chủ trong các mối quan hệ quốc tế", đồng thời cảnh báo không thiết lập các liên minh an ninh nhằm vào những quốc gia cụ thể. Ông khẳng định, "chỉ có ủng hộ dân chủ trong các mối quan hệ quốc tế và tôn trọng các lợi ích cốt lõi cũng như các mối quan tâm chính của nhau thì khu vực châu Á - Thái Bình Dương mới thực sự tìm thấy hòa bình, hòa hợp và ổn định lâu dài".
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cảnh báo, có thể xảy ra các vụ đụng độ trên biển Đông nếu các quốc gia có tranh chấp lãnh thổ tại khu vực này không thông qua một cơ chế để giải quyết xung đột một cách hoà bình. Ông Gates nhấn mạnh: “Tôi e rằng nếu không có cơ chế, không có các cách tiếp cận được các bên nhất trí để giải quyết các vấn đề trên, thì sẽ xảy ra đụng độ. Tôi nghĩ rằng điều đó chẳng mang lại lợi lộc cho ai".
Kiên trì giải quyết theo biện pháp hòa bình
Tại hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã có bài phát biểu quan trọng với chủ đề "Ứng phó với các thách thức an ninh biển mới". Trước những mâu thuẫn và xung đột phát sinh trên biển, Bộ trưởng nhấn mạnh: "Chúng ta cần củng cố các cơ sở pháp lý về các hoạt động trên biển, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác phát triển, ngăn chặn những hành động phương hại đến lợi ích chung của khu vực cũng như của từng nước, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia và xử lý tốt những vấn đề nảy sinh như tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ…
Bộ trưởng nhấn mạnh "Tình hình biển Đông nhìn chung vẫn ổn định, nhưng đôi khi vẫn xảy ra các va chạm, gây lo ngại cho các quốc gia ven biển, gần đây nhất là vụ ngày 26.5.2011, tàu khảo sát Bình Minh 02 của Việt Nam bị cắt cáp thăm dò khi đang hoạt động thăm dò dầu khí bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, gây lo ngại đến việc duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông cũng như khu vực và trên thế giới. Việt Nam đã kiên trì giải quyết vụ việc trên bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế và nguyên tắc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn hòa bình, ổn định trên biển Đông và giữ mối quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng.
Chúng tôi mong muốn những sự việc tương tự không tái diễn. Là một quốc gia biển, trải qua nhiều cuộc chiến tranh, chúng tôi thấu hiểu giá trị của hòa bình và ổn định cho xây dựng và phát triển đất nước. Chính vì vậy, chính sách quốc phòng của Việt Nam là hoà bình và tự vệ".
Theo Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, đối với các vụ việc xảy ra trên biển, cần kiên trì, kiềm chế, xử lý rất bình tĩnh, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó đặc biệt cần tuân thủ luật pháp quốc tế, công khai minh bạch.
Theo Danviet.vn