Luận án TS "nịnh trong tiếng Việt": Chuyên gia khen hết lời

Hoàng Đan |

PGS.TS Phạm Văn Tình cho hay, đề tài "nịnh trong tiếng Việt" là đề tài hay và nếu được thì từ Luận án Tiến sỹ này có thể bổ sung để in thành sách.

Luận án rất hay

Những ngày qua, một tấm ảnh nghiên cứu sinh bảo vệ Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ học với đề tài: “Hành vi nịnh trong tiếng Việt” đang được cộng đồng mạng chia sẻ với những lời bình phẩm, đánh giá khác nhau.

Để có cái nhìn khách quan hơn về đề tài này, chúng tôi đã liên hệ với giảng viên Nguyễn Thị Thanh Huệ, nghiên cứu sinh thực hiện và đang công tác tại Đại học Thủ đô.

Tuy nhiên, do bận công tác nên chị Huệ đề nghị chúng tôi trao đổi trước với các thầy trong Hội đồng chấm luận văn để làm rõ hơn và mình sẽ lên tiếng sau.

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng thư ký hội ngôn ngữ học Việt Nam kiêm thư ký Hội đồng chấm luận văn cho hay, các nhà khoa học sau khi đọc, xem xét kỹ đều đánh giá bản Luận án Tiến sỹ của NCS Nguyễn Thị Thanh Huệ là một đề tài hay.

"Chúng tôi đã có bản tổng hợp ý kiến rất chi tiết của các nhà nghiên cứu khoa học về Luận án này, kể cả những ý kiến tốt hoặc đề nghị điều chính.

Mấy chục nhà khoa học đã đánh giá Luận án của Nguyễn Thị Thanh Huệ là đề tài hay. Bởi vì, nó đề cập đến một vấn đề trong xã hội.

Nói tục, nói bậy hay nịnh là hành vi không khuyến khích nhưng nhà khoa học không né tránh, chỉ ra được nó thì đấy là một vấn đề. Việc nêu được một vấn đề trong xã hội mà khoa học đang quan tâm là thành công của một đề tài", PGS.TS Tình nhấn mạnh.

PGS.TS Tình cũng khẳng định, ở đây không có chuyện hết đề tài nên mới nghiên cứu hành vi này và những người nói vậy là chưa hiểu được vấn đề.

PGS.TS Phạm Văn Tình. Ảnh: Infonet.
PGS.TS Phạm Văn Tình. Ảnh: Infonet.

"Giống như nước Mỹ, người ta nghiên cứu về một hệ thống rửa bát như thế nào cho chuẩn thì ở Việt Nam có thể cho rằng, đây là vớ vẩn, chuyện rửa bát chỉ cần mang ra chậu rửa...

Nhưng chuyện rửa bát theo quy trình cần phải nghiên cứu. Nghiên cứu nó để chỉ ra bản chất vấn đề hay để tránh, sử dụng là chuyện bình thường trong ngôn ngữ học", PGS.TS Tình chia sẻ.

Có thể in thành sách

Cũng theo PGS.TS Tình, việc nghiên cứu hành vi nịnh đi từ đánh giá phạm vi sử dụng, tức là khi nào người ta nịnh như: Một người đang muốn lụy ai đó để xin xỏ, tìm hiểu một cô gái...

"Việc Nguyễn Thị Thanh Huệ nghiên cứu hành vi nịnh này là muốn chỉ ra bản chất ngữ nghĩa, cách thức thể hiện của nó.

Nghiên cứu như vậy là bình thường và không có nghĩa là cổ súy cho nó. Ở đây, giống như việc nghiên cứu hành vi chửi tục, nói bậy... không có nghĩa là nghiên cứu để làm theo nó.

Nịnh không phải đáng khuyến khích nhưng thực tế xã hội đang tồn tại hành vi này, bởi xã hội hiện nay đang có những lệch chuẩn, sử dụng để nịnh, trục lợi cho mình...

Người nghiên cứu chỉ ra một cách khách quan, bản chất vấn đề còn có dùng hay không thì liên quan đến ứng xử, văn hóa giao tiếp của người đó.

Và nghiên cứu hành vi này chỉ ra một trong vô vàn những hành vi khác nhau trong tiếng Việt", PGS.TS Tình cho hay.

PGS.TS Tình cũng cho rằng, việc đưa ra bình phẩm “nịnh mà còn làm cả luận án tiến sĩ khác nào thói nịnh bợ đang lên ngôi" hay "xuất hiện nhà nịnh học" là không chính xác và chỉ là suy luận tùy hứng.

"Như nghiên cứu nước thải hay ô nhiễm môi trường không có nghĩa chúng ta thích nó mà là chỉ ra bản chất để tránh.

Mọi người lên tiếng, hùa theo một cách hơi thiếu cân nhắc, bất kỳ một khoa học nào thì phải vào trong đó, hiểu thì mới khen chê được. Ngay trong một khoa học mà không phải chuyên sâu thì nhà khoa học cũng dè dặt việc khen chê.

Còn nếu ai đó muốn hiểu thêm và tiếp cận, chúng tôi sẵn sàng cung cấp thông tin, kể cả mọi người có thể đọc Luận án đó", PGS.TS Tình nói thêm.

Đồng thời, PGS.TS Tình cũng thông tin, tất cả những hành vi theo hướng ngữ dụng học đều đã được nghiên cứu nhưng vẫn còn những khoảng trống và nịnh là một ví dụ.

"Chỉ cần một hành vi nịnh đã đủ thành Luận án tốt và một số ý kiến hôm Thanh Huệ bảo vệ cũng cho rằng, nếu tác giả đầu tư sâu hơn về ngữ liệu thì đóng góp luận án còn hơn thế.

Và tôi cho rằng, nếu được thì từ Luận án này có thể bổ sung để in thành sách", PGS. TS Tình nhấn mạnh thêm.

Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học VN
GS.TS Nguyễn Văn Hiệp
Dù sao thì cộng đồng mạng cũng đã tồn tại một cách khách quan, và những vấn đề khen chê, "ném đá" trong chừng mực không phạm pháp thì cũng chẳng ngăn cấm được. Có điều, người có hiểu biết sẽ cân nhắc khi ném ra những lời bình phẩm, nhất là đối với những lĩnh vực mà người ấy không biết. (Theo Infonet).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại