Nạn nhân là cháu Thông Minh Kiệt, 3 tuổi, con của vợ chồng anh Thông Minh Bị và chị Lư Thị Hồng Nhịn (cùng 27 tuổi), ngụ thôn Bình Thắng, xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình - Bình Thuận.
Năm 2010, vì điều kiện kinh tế khó khăn nên hai vợ chồng đem theo cháu Kiệt lúc đó mới 6 tháng tuổi vào thuê nhà trọ ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai để làm công nhân cho công ty sản xuất giày dép và thức ăn gia súc. Cháu Kiệt được anh chị gửi ở một cơ sở giữ trẻ tư nhân của vợ chồng Ông Trung ở xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom.
Chị Nhịn nghẹn ngào kể: Chiều ngày 7-2 anh chị đón cháu về thì cháu vẫn khỏe, tối đó hai vợ chồng còn chở cháu đi chơi cùng mấy gia đình ở chung khu nhà trọ. Sáng ngày 8-2, như thường lệ anh chị đưa con đi gửi xong rồi đi làm, đến 11 giờ trưa bất ngờ anh chị nhận tin báo của Công an huyện Trảng Bom, yêu cầu anh chị đến ngay Bệnh viện Nhi Đồng, tỉnh Đồng Nai, vì cháu Kiệt đang đưa vào cấp cứu. Vào được đến nơi thì cháu Kiệt đã tử vong, đang nằm ở nhà xác, trong miệng cháu vẫn còn ngậm một ít thức ăn chưa kịp nuốt hết.
Di ảnh của cháu Kiệt lúc 3 tháng tuổi và mẹ.
Theo lời kể của bà Giang vợ ông Trung, chủ cơ sở giữ trẻ thì sau khi cho cháu Kiệt ăn trưa xong (một tô cơm và hai trái chuối), bất ngờ cháu Kiệt bị bất tỉnh, gia đình bà liền đưa cháu vào bệnh viện. Còn theo giấy báo tử của bệnh viện do bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Nga, phó giám đốc bệnh viện kí xác nhận: cháu Thông Minh Kiệt bị ngưng tim, ngưng thở, chết trước khi nhập viện, chưa rõ nguyên nhân. Ngay sau đó, bệnh viện báo cho Công an huyện Trảng Bom đến thụ lí vụ việc.
Công an yêu cầu anh chị cho giải phẫu tử thi để giám định làm rõ nguyên nhân. Nhưng anh chị không đồng ý. Anh Bị nói: cháu còn quá nhỏ mà phải bị mổ xẻ thì đau lòng quá, nên tôi không đồng ý. Vả lại theo phong tục của người Chăm chúng tôi, thì cháu phải được an táng trong vòng một ngày đêm. Chúng tôi phải đưa cháu về quê gấp để làm đám tang cho cháu.
Chị Nhịn cho biết, vợ chồng ông Trung đồng ý bồi thường 50 triệu đồng, nhưng đưa trước 20 triệu, còn lại 30 triệu sẽ đưa sau 3 tháng nữa. Anh Bị cho biết, theo phong tục của người Chăm, việc tổ chức đám tang và cúng kính khá tốn kém. Gia đình nào nghèo thì sau một đám tang là phải mang nợ và làm ăn trả dần. Hai vợ chồng em làm công nhân lương tháng cả hai người khoảng 8 triệu, chi tiêu tiết kiệm mới sống nổi vì bây giờ tiền nhà trọ và các chi phí khác đều rất cao.
Vợ chồng anh Bị, chị Nhịn trước ngôi nhà ọp ẹp của mình
Vợ chồng em vẫn chưa có được ngôi nhà đàng hoàng, tính làm ăn để dành tiền sau này về quê cất nhà ở nhưng xảy ra chuyện này chắc vợ chồng em mang nợ. Đau lòng lắm nhưng việc đã xảy ra rồi, sau đám tang cháu vợ chồng em phải vào làm công nhân tiếp, chỉ mong 3 tháng nữa người ta đưa 30 triệu đồng cho vợ chồng em trả nợ chứ không biết làm sao, chị Nhịn nói trong nước mắt.
Theo THANH TRUNG
Bình Thuận Online