Biển cả đã cho họ cuộc sống, dù là cực khổ, nhưng cũng sẵn sàng nhấn chìm họ xuống mênh mông đại dương... Nguy hiểm là vậy nhưng với một bộ phận người dân để dứt ra được, tìm việc làm khác kiếm thêm cái ăn lại là điều rất khó.
Hiểm nguy rình rập
Không có bến bãi, lạch, cửa sông... để sắm tàu thuyền loại to, ngư dân nơi đây đã nghĩ ra một loại phương tiện vẫn có thể ra biển buông câu, giăng lưới... đó là bè mảng. Họ không biết cha ông mình đã làm nên những chiếc bè mảng từ lúc nào. Chỉ biết rằng, hàng chục năm qua, bè mảng đã trở nên thân thuộc, gần gũi với họ trong hành trình chinh phục biển khơi...
Không chỉ lúc nông nhàn, rảnh rỗi mùa vụ, hàng trăm ngư dân Diễn Hải, Diễn Kim... của huyện Diễn Châu, Nghệ An ngày ngày vẫn ra khơi đánh bắt hải sản và họ xem đây là một nghề để kiếm sống, là cần câu cơm cho hàng trăm con người.
Nhiều gia đình đang sửa lại bè mảng để cho những chuyến đi yên bình hơn.
Lau vội những giọt mồ hôi chảy dài trên gương mặt sạm nắng, lão ngư Lê Mẫu Thân, 60 tuổi ở xóm 4 xã Diễn Hải bùi ngùi nhớ lại: “15 hay 16 tuổi chi đó, đã được cha mẹ cho lên bè mảng để đi đánh cá, bắt cua ghẹ rồi. Gần cả 1 đời người gắn bó với bè mảng, với biển khơi... cực lắm chú ạ. Chỉ đủ ăn thôi”.
Trong câu chuyện vội vàng, ông Thân cho biết thêm gia đình có 6 người con, chúng ra riêng cả rồi. Còn 2 ông bà già làm vài ba sào ruộng tằn tiện cũng đủ sống. Thỉnh thoảng ông mới đi bè mảng.
“Ra khơi đánh bắt ngày cao lắm chỉ được vài ba trăm ngàn còn thường thì ít lắm từ 100 ngàn đồng trở xuống thôi nhà báo à. Giờ già rồi tui chỉ đi 3-4 hải lý thôi.
Vì cuộc sống mà phải đi thôi nhưng rất nguy hiểm. Mỗi khi ra khơi gặp sóng lớn là bè mảng nó cứ chòng chành, dễ lật... Đôi khi tưởng chừng mình như bị nuốt xuống đáy biển nữa.
Những hôm có gió cấp 3, cấp 4 là không thể đi được nữa. Những lúc đi biển gặp phải sóng lớn, chúng tôi chỉ biết nằm bẹp trên bè, vừa chèo vừa cầu trời nó đừng lật thôi”, lão Thân cho hay.
Ở cái vùng biển này, đi bè mảng dường như còn là một nghề “cha truyền con nối”. Nay đã ở cái tuổi 48 nhưng ngư dân Trương Văn Huy ở xóm 1 xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu cũng ngót nghét 25 năm gắn bó với nghề đi biển trên chiếc bè mảng thô sơ.
Nhà có 7 sào đất nhưng chủ yếu là trồng dâu nuôi tằm và xen thêm ngô, lạc nên thu nhập của gia đình rất khó khăn. Cả gia đình 7 miệng ăn đều trông chờ vào những chiến đi biển của Huy.
Những chiếc bè mảng mà ngư dân Diễn Châu mưu sinh rất mong manh.
“Cực lắm, bữa ni tui đi từ 2 giờ sáng và về lúc gần 8 giờ nhưng không ăn thua, trừ tiền dầu chạy máy may ra được hơn 200 ngàn thôi. Cũng có hôm gặp thời tiết thuận lợi, may mắn thì thu nhập tiền triệu nhưng ít lắm.
Thời tiết như hiện nay trở đi khó đánh bắt hơn vì biển động hơn, bè lại nhỏ, gió lớn một chút là không đi được”, ngư dân Trương Văn Huy cho biết. Theo anh Huy thì ngư dân đi bè mảng thường mỗi đêm chỉ ngủ được 1 tiếng đồng hồ còn lại là lo canh chừng các tàu thuyền lớn để tránh va chạm.
Nói về sự nguy hiểm từ bè mảng, ngư dân Trương Văn Huy cho hay: “Hầu hết các bè không có áo phao, phao cứu sinh, đèn hiệu... nên khá huy hiểm, nhất là vào ban đêm mình không thấy các vật cản khác để tránh. Chuyện lật bè rất dễ xảy ra, ngay cả khi sóng lớn từ các tàu lớn đi ngang cũng là mối nguy hiểm cho bè rồi.
Cách đây không lâu có trường hợp trôi hơn 1 ngày 1 đêm, ở nhà đã thắp hương khấn vái rồi, may sao sau có tàu lớn đi ngang cứu thoát. Khi lật bè, bầy tui chỉ sợ chết đói, chết rét thôi”.
Những chuyến bè mảng ra khơi trở về trong sự nhọc nhằn nhưng chẳng ăn thua.
Chuyện lật bè, trôi mất xác mấy ngày mới tìm được không còn là chuyện lạ với ngư dân vùng biển nơi đây. Vụ tai nạn từ bè mảng hơn 2 năm về trước cho đến giờ vẫn khiến bà Nguyễn Thị Hợp (ở xóm 4, Diễn Hải, huyện Diễn Châu) chưa hết bàng hoàng. Tai nạn thương tâm đã cướp đi của bà và 6 đứa con người đàn ông trụ cột gia đình.
Bà Hợp buồn bã kể lại: “Đó là 1 ngày cuối tháng 7 dương lịch, gió nồm độ cấp 3, ông nhà tui đi biển 1 mình lúc chập tối. Sáng ra, mấy mẹ con ra bến đón ông để lấy tôm cá đi chợ bán thì chỉ thấy chiếc bè trôi dạt về mà không thấy người nào cả.
Gia đình cũng chẳng biết nguyên nhân gì, mãi mấy ngày sau mới vớt được xác ông. Cũng vì khổ nên ông nhà tui mới bươn chải như vậy... Cái nghề này khổ lắm nhà báo ơi, nhưng biết làm sao được”. Bà Hợp nói rồi cố dấu đi những giọt nước mắt buồn khi nhớ về cái ngày định mệnh ra đón chồng ở ven biển mà không thấy bóng chồng đâu.
Bà Hợp đang kể lại vụ tai nạn của chồng.
Khó kiểm soát...
Nguyên liệu làm bè mảng rất thô sơ, chỉ vài ba cây mét, cây tre cột lại với ít tấm xốp là có ngay một phương tiện để kiếm sống. Không mái che, không bộ đàm, định vị, đèn hiệu... đến ngay cả chỗ ngồi cũng chỉ là tấm tre.
Vì thô sơ nên bè mảng chỉ có thể đánh bắt xa bờ tối đa 6-7 hải lý vào những ngày trời lặng. Trước đây, ngư dân chủ yếu dùng tay chèo là chính, nhưng nay, để đi nhanh, đỡ mất công sức chèo lái, hầu hết ngư dân đã lắp thêm máy nổ có mã lực khoảng 8CV.
Ông Thân đang kiểm tra lạ bè mảng của mình sau 1 chuyến đánh bắt.
Một chiếc bè mảng có chiều dài độ 9m, rộng hơn 2m, tải trọng khoảng 1,5 tấn, với chi phí nguyên vật liệu khoảng 10 triệu đồng và chỉ đủ chỗ cho khoảng 2 người. Ông Trần Văn Tiến - Chủ tịch UBND xã Diễn Hải thừa nhận: “Xã có đến 350 hộ mà một phần cuộc sống nhờ vào thu nhập từ bè mảng. Nhưng bè mảng là phương tiện quá sơ sài nên trước đây, năm mô xã cũng có tai nạn từ loại phương tiện này.
Biết đó nhưng ngư dân không sử dụng bè mảng thì lấy gì kiếm thêm thu nhập ngoài mấy sào trồng lúa trồng màu. Chuyện mất phương hướng cũng không phải hiếm bởi họ không có máy định vị, bộ đàm, bản đồ, đèn hiệu. Kiếm cái ăn còn khó, nói chi đến chuyện sắm phao cứu sinh, áo phao phòng hộ”.
Ông phó chủ tịch UBND xã Diễn Kim Phạm Xuân Bang cho biết thêm: “Ngư dân đánh bắt bằng bè mảng chủ yếu đi gần bờ nhưng rất dễ gặp nguy hiểm. Thường mỗi bè chỉ có 1 người nên khi gặp sự cố như trượt chân, chuột rút, lật bè... thì hầu hết nhờ vào may rủi.
Xã chúng tôi cũng tuyên truyền nên đi từ 2-3 người để hỗ trợ nhau nếu gặp sự cố hay như mua sắm thêm áo phao, phao cứu sinh... nhưng đa phần người dân đi bè mảng cuộc sống khó khăn nên họ phải tiết kiệm.
Chúng tôi cũng đã tuyên truyền về luật ATGT đường thuỷ nhưng họ thường chủ quan trong việc đề phòng nên rất dễ xảy ra tai nạn”.
Theo báo cáo của phòng Nông nghiệp huyện Diễn Châu, hiện toàn huyện có 8 xã giáp biển thì có đến 6 xã có dân sinh sống nhờ đi bè mảng. Bà Phạm Việt Đào - cán bộ phòng Nông nghiệp huyện Diễn Châu cho biết: “Nguy hiểm nhất với bè mảng là ban đêm vì họ không có đèn hiệu để cảnh báo nên rất dễ bị tàu thuyền lớn va quệt có thể làm lật bè.
Số lượng bè mảng nhiều khi chỉ là tương đối bởi nó thay đổi, biến động thường xuyên, các xã thiếu báo cáo và không phổ biến kịp thời để dân đăng ký nên rất khó kiểm soát cụ thể.
Hiện toàn huyện Diễn Châu có khoảng 810 bè mảng tập trung ở 6/8 xã giáp biển; trong đó nhiều nhất là Diễn Hải, Diễn Kim, Diễn Thịnh...
Việc tập huấn luật ATGT đường thuỷ cơ bản cũng chỉ mới thực hiện với các chủ tàu thuyền lớn còn các loại khác thì do thiếu kinh phí nên rất khó khăn”.