Trái ngược với hình dung của chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tha (huyện Từ Liêm, Hà Nội) lại sẵn sàng chia sẻ chuyện con từng đâm cô, không lảng tránh, không che đậy, giấu giếm.
Cô giáo chết, con vào tù: Còn gì đau hơn?!
17 năm trời đã biến người bố đau khổ ngày nào thành một ông già, tóc xanh thành bạc. Cậu con trai nhỏ khuôn mặt ngây thơ 16 tuổi đầu xưa kia, nay đã là một người đàn ông ngoài 30 tuổi, lúc ra tù đứng ngay trước cửa vẫn không nhận ra nhà mình. Thời gian đằng đẵng là thế mà chẳng xóa mờ được nỗi đau, nỗi ân hận vẫn giày vò như vết sẹo tâm can khi trái gió trở trời lại sưng tấy và đau buốt.
“Không một ai, một gia đình nào lại muốn những chuyện này xảy ra... Không ai mong chuyện đau lòng này xảy ra cả”, ông Tha nói to, nhắc đi nhắc lại với chúng tôi, lời nói in hằn sự bất lực từ quá khứ.
Ông kể chuyện ngày con đâm cô giáo 17 năm trước như thể chuyện mới xảy ra ngày hôm qua, từng chi tiết một, y nguyên nỗi bàng hoàng hoảng hốt của vụ án đau lòng náo động một thời.
Ông Tha buồn bã kể chuyện con trai ông đâm chết cô giáo
“Hôm đó là ngày 19 tháng 4 năm 1995. Con trai tôi là Nguyễn Trung Chính đi học bình thường. Khoảng 13h30 chiều, tôi đang thiu thiu ngủ trưa thì nghe bạn cùng lớp Chính báo tin động trời “bác Tha ơi, thằng Chính đâm cô giáo”. Tôi chạy tới trường THCS ĐN thì đã thấy cô giáo Phùng Thị Minh T nằm trên bàn, bị đâm vào bụng, chiếc giẻ lau bảng buộc bụng thấm đầy máu, con trai tôi hoảng sợ ngồi bất động một góc lớp”.
9 năm trong quân đội, đã từng chở nhiều đồng đội bị thương đi cấp cứu, ông Tha rất bình tĩnh đưa cô T đến bệnh viện. Ông nghĩ vết thương như vậy chẳng thể nào cướp đi mạng sống của cô. Nhưng ông đã nhầm, bệnh viện không cứu được cô giáo trẻ. Cậu con trai học lớp 8, nét mặt trẻ thơ ngơ ngác chịu án 20 năm tù vì lưỡi dao vô tình, oan nghiệt chính mình gây ra.
“Thằng bé hoảng loạn vì không ngờ hành động bồng bột của mình lại gây nên cái chết tức tưởi cho cô giáo. Nó cứ nắm chặt tay thầy giáo, hỏi đi hỏi lại: “Thầy ơi, con có bị tử hình không?”. Câu hỏi của con cứ như một cuộn băng tua đi tua lại trong đầu óc muốn nổ tung của ông Tha lúc bấy giờ.
Ông Tha trầm ngâm: “Tôi suy sụp tưởng không gượng dậy được. Thương cô giáo bao nhiêu thì giận con mình bấy nhiêu. Hỏi trời, hỏi đất sao gây nên oan nghiệt này, xưa nay gia đình tôi ăn hiền ở lành, sao con trai lại gây nên tội ác?”. Thế nhưng, nhìn khuôn mặt sợ hãi của con, ông lại gồng lên, chấp nhận mọi thứ, động viên đứa con chưa rời ghế nhà trường đã bước vào cánh cửa nhà tù an tâm cải tạo.
“Con đã gây ra tội ác, mình phải giơ tay ra cho con nắm làm lại từ đầu. Sao có thể đành lòng hất tay con ra được?!”, ông Tha nói.
Tự hào vì con vào tù cải tạo tốt
Trong căn nhà đầy bụi bặm, đồ nghề sửa xe, bánh, lốp ngổn ngang, toàn bộ hồ sơ, ảnh, tài liệu liên quan đến vụ án 17 năm trước của con được ông Tha cất cẩn thận trong túi nilon, để trong tủ có khóa.
Quá khứ chẳng đẹp đẽ, nỗi đau, nỗi xấu hổ mà người ta sẽ tránh nhắc đến, cố quên đi thì ông Tha lại lưu giữ. Thi thoảng ông giở ra, kể cả khi anh Nguyễn Trung Chính đã ra tù năm 2008, đã có một trang đời mới. Dù tới năm 2013, sau 5 năm ra tù sống và làm ăn lương thiện, con ông sẽ được xóa án tích, thì ở nhà ông, mọi thứ được giữ nguyên vẹn.
Những bức ảnh về phiên tòa xử tội giết người của Chính cũng được ông giữ lại
“Tôi phải giữ chúng để răn dạy thằng Chính đừng bao giờ quên tội lỗi của nó, để không bao giờ lặp lại, để nhớ sống thiện, sống lành. Cả gia đình, con cháu cũng nhìn vào làm gương, tránh xa tệ nạn, tội ác”, ông Tha nói.
Anh Chính hiện đang làm bảo vệ cho đất dự án của một bệnh viện, đã có một gia đình nhỏ ấm cúng. Nhờ chấp hành tốt quy định của trại, chăm chỉ làm mọi công việc được giao, anh được giảm án tới 6 năm rưỡi. Thời gian chấp hành án, năm nào giấy chứng nhận cải tạo gửi về nhà cũng được ông Tha cất giữ.
Ông Tha bảo: “Mỗi lần nhận được giấy, mỗi năm con lại được giảm mấy tháng, tôi thấy tự hào và mừng cho con.Thôi thì đã gây ra tội, chẳng còn cách nào khác là phải ăn năn hối cải để làm lại cuộc đời”.
Suốt hơn 13 năm ròng, anh Chính con ông bị giam ở Trại 5, Thanh Hóa, năm nào ông Tha cũng lặn lội vào thăm con. Có những năm trời lạnh 6,7 độ, 2h sáng mồng hai Tết ông đã lên đường, chiếc xe máy cũ mèm khiến ông vừa đi vừa sửa, lúc thủng lốp, lúc hỏng xích, đi số 1 số 2 để vượt đường lầy lội. Ông đốt thuốc lá đi xuyên đêm lạnh, 6-7 tiếng mới tới nơi, cũng chỉ được gặp con 15 phút.
“Con mới 16 tuổi 4 tháng, vào khu B của Trại 5, mà hồi đó người ta vẫn gọi là trại bất khuất, ngày đi không có ngày về. Năm đầu vào thăm, con mới vào chưa quen, người gầy trơ chỉ còn bộ xương, mệt không đi được, con bò lê từ con dốc xuống gặp bố. Tôi chảy nước mắt vì thương xót con, phải nhờ cán bộ đưa giúp đồ cho con vào tận chỗ ở”.
Lần nào vào thăm, ông cũng dặn dò con muốn có ngày về, phải cải tạo tốt, đã phạm tội thì phải đứng lên, việc gì cũng phải làm, đói cũng phải bò, ốm đau phải báo cáo. Ông đưa ảnh bạn bè trong xóm cho Chính xem, những chàng trai cô gái mặt tươi vui, mặc áo dài trắng, đỏ, để con thấm thía cái giá của tội ác, khao khát cuộc sống đẹp đẽ như chúng bạn bên ngoài. Những tấm ảnh đó, Chính giữ bên mình hơn chục năm, ra tù lại mang về.
Những phút ít ỏi gặp mặt con, ông Tha không bao giờ kể chuyện buồn ở ngoài đời bởi sợ con phân tán, chỉ động viên và gieo vào con hi vọng. Ông kể Chính nghe những lời hỏi han của ông bà, đưa con chiếc bánh chưng của họ hàng gửi, cái áo người thân mua… Ông sai cả con cháu trong nhà viết thư cho Chính, giả vờ là bạn bè cùng lớp Chính hỏi thăm, an ủi. Mỗi lần nhận thư, khuôn mặt buồn buồn lờ đờ của Chính tươi lên một chút.
Với sự động viên của bố, anh Chính cải tạo tốt, được ra tù trước thời hạn hơn 6 năm.
“Đến lúc ra tù, Chính mới biết tôi nói dối. Sự thực là từ ngày con bị bắt, không một người bạn nào của Chính đến nhà, mười mấy năm trời chẳng ai hỏi thăm Chính một câu”. Không nói gì bạn của Chính, không ít bạn bè của ông Tha - những người ông từng qua lại giúp đỡ như người thân trong nhà - cũng quay lưng lại.
“Đã đành con gây ra tội, nhưng con cũng cần lắm sự bao dung, an ủi để vượt lên lầm lỡ, để con trở lại thành người tốt, chứ không lại trượt dài trong bóng tối”, ông Chính trăn trở.
Ngày Chính ra tù, việc đầu tiên là ông dẫn con tới nhà cô giáo năm xưa, thắp cho cô một nén hương xin cô tha tội, nói với cô nỗi ân hận dằn vặt suốt bao năm Chính ở trong tù.
“Ngày giỗ nào của cô, vợ chồng Chính cũng ra mộ thắp hương cho cô, mong cô bình yên nơi chín suối, nguyện với cô sẽ sống tốt trong quãng đời còn lại này”, ông Tha bùi ngùi nói.
Con giết chết cô giáo, bị kết án 20 năm tù giam khi mới hơn 16 tuổi đời, người cha đau khổ Nguyễn Văn Tha đã bao dung, lặng lẽ đi bên con mình, như một người thầy vực con dậy, giúp con đứng lên từ tội ác, làm lại cuộc đời.