Đại biểu Quốc hội nói về việc bầu chọn kỳ quan thiên nhiên

camnhung |

Một số đại biểu Quốc hội đã có những ý kiến khác nhau của cuộc bầu chọn này.

Trước những luồng ý kiến trái chiều xung quanh việc bầu chọn vịnh Hạ Long vào top 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới, phóng viên Dân trí đã trao đổi với một số đại biểu Quốc hội về những khía cạnh khác nhau của cuộc bầu chọn này.

Chủ nhiệm UB Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Đào Trọng Thi:

Về mặt du lịch là hoàn toàn có lợi

Tôi cũng không đi sâu về phương thức bầu chọn, nhưng trong mọi trường hợp, việc tổ chức ra một phong trào bầu chọn như vậy cũng dấy lên một dư luận xã hội trong việc nhìn nhận danh danh lam thắng cảnh vịnh Hạ Long của Việt Nam. Như thế về mặt du lịch, đó là một sự quảng cáo, hoàn toàn có lợi.

Việc bầu chọn do một tổ chức phi Chính phủ đứng ra tổ chức thì người ta cũng phải thu được một nguồn kinh phí để đầu tư cho việc tổ chức bình chọn, còn người ta có được lợi gì không thì phải có thông tin đầy đủ hơn, tôi không bình luận.

Đại biểu Dương Trung Quốc:

Đừng thỏa mãn với cái gọi là… công nhận

Đừng nghĩ việc bầu chọn do một tổ chức quốc tế thực hiện mới có giá trị, còn kết quả bầu chọn do tổ chức tư nhân làm thì không. Điều quan trọng là tổ chức đó có uy tín không, việc làm của họ mang lại hiệu ứng gì. Tôi nói như giải Nobel chẳng hạn, ban đầu từ sáng kiến của một cá nhân thôi, nhưng sau này trở thành một giải thưởng danh giá.

Chúng ta cần xem các nước họ tiếp nhận việc bầu chọn 7 kỳ quan thiên nhiên này như thế nào, bởi tôi được biết cũng có những nước cũng tham gia rất nhiệt tình. Nhưng điều quan trọng hơn, sau này khi được công nhận xong ta làm cái gì chứ không phải thỏa mãn với cái gọi là “công nhận”.

Ở ta hay có “bệnh”, được danh hiệu là xong, trong khi lẽ ra phải ý thức, anh càng muốn nâng lên danh hiệu bao nhiêu thì thực chất anh phải tương xứng bấy nhiêu. Cũng như học hàm, học vị, anh bĩu môi anh có được học hàm rồi, nhưng anh không chứng minh được trình độ tương xứng học hàm ấy thì nhiều khi là lợi bất cập hại.

Qua việc bầu chọn, có thể ta không định lượng được tác động đối với việc nâng uy tín của vịnh Hạ Long trên thế giới là bao nhiêu, nhưng việc huy động được người dân, thu hút sự quan tâm đến di tích, di sản nhiều hơn thì đó cũng là điều đáng hoan nghênh.

Điều duy nhất lấn cấn của tôi là cách bầu chọn. Cách bầu chọn ban đầu tức bầu chọn qua mạng, mỗi người chỉ được một lần biểu quyết tôi chorất nghiêm túc. Về sau này việc bầu cũng hơi xô bồ, một người bầu chọn 1000 lần cũng được. Nhưng việc đó cũng là thứ yếu.

Tôi quan tâm nhiều là sau này đến thăm vịnh Hạ Long có thay đổi gì không. Cho dù gắn một tấm huy chương trên ngực, nhưng con người có thay đổi không, điều đó mới là quan trọng.

Đại biểu Ngô Văn Minh:

Phải xem việc bầu chọn có giá trị đích thực không

Tôi cũng có nghe ý kiến việc tham gia bầu chọn là tốn tiền, tốn sức, nhưng giá trị đích thực như thế nào thì cũng chưa biết. Theo tôi, cần tiếp tục theo dõi, thẩm định xem thông tin như thế có chính xác không.

Phải xem tổ chức đứng ra bầu chọn chính danh như thế nào, ảnh hưởng toàn cầu ra sao, liệu việc bầu chọn có giá trị đích thực hay không. Còn người dân đổ công, đổ sức bầu chọn là thể hiện lòng yêu nước, lòng tự hào, mong muốn dân tộc được thế giới công nhận một kỳ quan.

Theo Cấn Cường

Dantri.com.vn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại