Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương: "Tôi đang đòi nợ Bộ trưởng Quang..."

Hoàng Đan |

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho biết, cá nhân ông đã gặp, trao đổi và vẫn đang "đòi nợ" Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang về vụ "bôi trơn" sổ đỏ ở Hà Nội.

"Đòi nợ" Bộ trưởng

Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho hay, đa số các Bộ trưởng đều thực hiện được trách nhiệm và thông qua hoạt động chất vấn cũng đôn đốc các Bộ trưởng, đốc thúc các hoạt động quản lý Nhà nước có chuyển biến nhất định.

"Đương nhiên là để kịp với sự mong đợi, chuyển biến của xã hội đối với trách nhiệm quản lý Nhà nước thì có thể chưa đạt được.

Nhưng cũng đánh giá khách quan là các Bộ trưởng tiếp thu cầu thị, có biện pháp xử lý để trách nhiệm quản lý Nhà nước tăng cao", ông Cương nhận xét.

Chia sẻ riêng về một số vấn đề mình đang có ý kiến với các Bộ trưởng, ông Cương cho biết, cá nhân ông đang "đòi nợ" Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang về vụ "bôi trơn" sổ đỏ.

"Tôi đã nói thẳng với Bộ trưởng Quang rồi, Bộ trưởng còn nợ mà không trả. Chất vấn Bộ trưởng thì đã làm văn bản gửi Hà Nội và thanh tra có kết luận gửi cơ quan điều tra cả năm nay rồi mà không thấy tung tích đâu nữa", ông Cương nói.

Cũng theo ông Cương, đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vừa qua có phiên thảo luận kinh tế xã hội ông có nói về vấn đề phân bón giả và nhận được nhiều phản hồi từ cử tri cả nước.

"Họ đều nói vấn đề tôi nói rất đúng và không dừng ở đó. Người ta còn tố cáo không chỉ tình trạng phân bón giả mà còn giống cây trồng giả, giống vật nuôi giả, cái gì cũng có thể làm giả được và đang làm khổ người nông dân vô cùng.

Đó là chưa kể nạn lừa đảo tràn về nông thôn, ví như bán hàng đa cấp, góp quỹ từ thiện… đang tràn về nông thôn. Ai sẽ là người bảo vệ cho người nông dân, vừa yếu thế vừa nghèo khổ?

Người ta đã dẫm chân xuống bùn rồi còn vùi người ta xuống bùn đen", ông Cương đánh giá.

Về trách nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng hàng giả, lừa đảo, ông Cương đề nghị, Chính phủ phải chỉ đạo các ngành có liên quan để có điều tra và xử lý đến nơi đến chốn.

"Ví dụ như hàng giả thì quy trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bộ Công thương và công an phải có trách nhiệm điều tra và xử lý kiên quyết những vấn đề như thế.

Những hiện tượng bán hàng đa cấp cũng liên quan đến trách nhiệm Bộ Công thương vì là lưu thông hàng hóa, thế rồi, Bộ công an phải điều tra ngay, xét xử. Việc để báo chí nêu rồi mới vào cuộc là rất chậm và hậu quả đã gây ra rồi", ông Cương nhấn mạnh.

Về vấn đề phí giao thông, nhất là phí qua các công trình BOT đang khiến người dân bức xúc và trách nhiệm của Bộ trưởng Đinh La Thăng, ông Cương cho rằng, ở đây cần phải thấy rõ, chức năng quản lý Nhà nước về phí, lệ phí là do Bộ Tài chính.

Bộ trưởng hứa nhưng "lực bất tòng tâm"?

Cũng trao đổi với chúng tôi, đại biểu Võ Thị Dung (TP Hồ Chí Minh) cũng nhìn nhận, sự điều hành phối hợp thực hiện Nghị quyết Quốc hội của các Bộ hạn chế.

Thêm vào đó, trong kỳ họp không khí như thế nhưng sau khi ra khỏi thì thấy mọi việc vẫn chậm, không thỏa được mong muốn của cử tri, đại biểu Quốc hội cũng như tinh thần Nghị quyết.


Bà Võ Thị Dung. Ảnh: Tuổi trẻ.

Bà Võ Thị Dung. Ảnh: Tuổi trẻ.

"Các Bộ trưởng khi hứa ở diễn đàn ai cũng rất tâm huyết nhưng đến khi thực hiện dường như là lực bất tòng tâm mà ở đây là do cơ chế.

Cơ chế phối hợp, điều hành chưa có tập trung vào những vấn đề trọng tâm, thiết thân với nhân dân, cử tri, nhất là vấn đề liên quan đến đời sống người dân.

Kỳ họp nào cũng nêu lên vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông, tội phạm, được mùa rớt giá, được giá mất mùa... rồi vấn đề liên quan thiết thân đến người dân là nhũng nhiễu trong bộ máy công quyền, yếu kém, bộ máy cồng kềnh.

Đến khi trôi qua gần hết nhiệm kỳ rồi, giải pháp thì có tuy nhiên tiến triển, biện pháp, quyết liệt tổ chức thực hiện thì rõ ràng chưa mạnh", bà Dung nêu ý kiến.

Bà Dung cũng cho rằng, việc thực hiện lời hứa của một số Bộ trưởng còn chưa thực sự nghiêm túc và nguyên nhân chính là do chưa có chế tài.

"Nghị quyết của Quốc hội thì có nhưng lại chưa có chế tài. Giờ cuối nhiệm kỳ rồi, khóa Quốc hội cũng sắp kết thúc, các Bộ trưởng nếu nhìn lại không hoàn thành nhiệm vụ thì cũng cuối nhiệm kỳ rồi, có kỷ luật thì cũng hết nhiệm kỳ rồi.

Ở đây, không có tính khả thi trong chế tài nên tính chịu trách nhiệm, kỷ luật buộc các Bộ trưởng, Tư lệnh ngành thực hiện cho đầy đủ tinh thần Nghị quyết không có.

Cho nên không xử lý được với các Bộ trưởng không hoàn thành nhiệm vụ", bà Dung nhấn mạnh.

Bà Dung cũng cho rằng, nếu có cơ chế, ví dụ, qua cuộc chất vấn cuối nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm, chẳng hạn đối với Bộ trưởng trong nhiệm kỳ đó thì tôi nghĩ sẽ có tác dụng hơn.

"Nhưng quy chế, bỏ phiếu tín nhiệm hiện tại là ít nhất 3 năm mới thực hiện hay nói cách nào đó là trong 1 nhiệm kỳ chỉ thực hiện có 1 lần.

Như tôi đã có ý kiến rồi, vẫn như trước đây, Quốc hội đã có Nghị quyết 35 về bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu thì cần tiến hành hàng năm", bà Dung kiến nghị.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại