Đội thu gom rác của tổ dân phố 35, 36 phường Thuận Phước (Hải Châu, TP Đà Nẵng) lâu nay không còn lạ lẫm với những hộ dân dọc các con phố Nguyễn Hữu Cảnh, Cao Xuân Dục... Giờ người dân nơi đây đã tự phân loại rác, xếp trước nhà chờ cán bộ đến thu gom. Tiếng cười giòn tan khi mấy vị cán bộ pha trò.
Xe thu gom rác của cán bộ tổ dân phố phường Thuận Phước. Ảnh: Nguyễn Đông
Trưởng nhóm thu rác là ông Đoàn Minh Vương, Bí thư Chi bộ tổ dân phố 35, 36. Ông bảo những ngày đầu nghĩ cách thu gom rác cũng thấy ngại vì từ trước đến giờ chưa một lần cúi xuống đường nhặt phế liệu. Vậy mà khi nghĩ đến những người nghèo phải chạy ăn từng bữa, quay quắt với cái đói, ông đi tiên phong hô hào cán bộ tổ dân phố cùng làm.
"Chi bộ tổ dân phố kết hợp với hội phụ nữ, đoàn thanh niên cùng họp bàn và đề xuất xây dựng phong trào từ việc mỗi đảng viên trong chi bộ góp tiền nuôi heo đất tiết kiệm, rồi thu gom phế liệu, góp từng đồng tiền lẻ để trao học bổng cho học sinh hiếu học và gia đình nghèo", ông Vương kể và khoe năm 2011, hai tổ dân phố có 22 hộ nghèo đến nay chỉ còn một hộ đặc biệt nghèo và một hộ nghèo.
Đi vào hoạt động từ tháng 3/2011, đến cuối năm số tiền tiết kiệm từ việc bán phế liệu của đội thu gom được 8 triệu đồng. Người nghèo trong khu phố có được một cái Tết no ấm. Đến nay quỹ của tổ đã hơn 18 triệu đồng. Nhiều cán bộ, công chức cũng tự nguyện xung vào công quỹ với tinh thần "lá lành đùm lá rách".
Ông Vương nhớ về những ngày đầu đưa ra mô hình cán bộ nhặt rác, người đồng ý thì ít, người chê thì nhiều. Bỏ ngoài tai tất cả, xe thu gom rác được đẩy đi.
Được bao nhiêu tiền từ nguồn bán ve chai, cán bộ tổ lại ghi vào sổ sách và công khai trước dân. Đến dịp phát thưởng cho học sinh hay tặng quà cho thiếu nhi, những món quà lại nhiều thêm. Trẻ em hớn hở, người lớn cũng vui lây.
"Chắc hẳn trong mỗi người đều mong muốn được sẻ chia với những người có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng cái khó ở đây là làm gì? Và việc đơn giản nhất là chính cán bộ dám làm những việc mà nếu nhìn qua sẽ cho là tầm thường", bà Trần Thị Khang, Trưởng ban Mặt trận tổ chia sẻ.
Từ số tiền bán phế liệu, trẻ em trong tổ dân phố được thỏa sức vui chơi, nhận quà dịp Tết Trung thu hay ngày Quốc tế thiếu nhi. Ảnh: Nguyễn Đông
Chị Hồng sống ở khu chung cư số 5 Thuận Phước bộc bạch chị cũng như nhiều người khác trong tổ trước đây có bao nhiêu phế liệu là bỏ hết vào thùng rác chờ xe thu gom của công ty môi trường đến dọn đi.
"Nhưng rồi thấy việc làm của tổ dân phố quá hữu ích nên trước khi bỏ rác vào thùng, tôi nhặt riêng những thứ có thể bán được xếp gọn vào một góc, nhìn thì nhếch nhác trong nhà nhưng miết thành quen và quan trọng hơn là những thứ mình thường bỏ đi lại giúp được người kém may mắn", chị Hồng lý giải.
Bây giờ như thành thói quen, không riêng gì cán bộ tổ dân phố mà mỗi khi đi thể dục, hay trên đường đi làm, hễ thấy rác là người dân nơi đây không ngần ngại dừng xe nhặt mang về. Trẻ em cũng được cha mẹ dặn dò giữ lại những vỏ chai, lon sữa sau khi sử dụng để dành giúp người nghèo.
Xúc động trước hoạt động ý nghĩa này, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã hỗ trợ 10 triệu đồng cho "Quỹ tiếp sức đến trường" của những cán bộ nhặt rác.
"Số tiền tuy không nhiều, nhưng để lo cho người nghèo có một cuộc sống đẩy đủ hơn, mỗi đồng tiền từ sự chung tay của mọi người sẽ có ý nghĩa hơn bao giờ hết", ông Vương tâm sự.