Kinh tế ràng buộc
Nga có lợi ích kinh tế chiến lược trong mối quan hệ với chính quyền Syria đương nhiệm. Là đồng minh lâu đời của Syria, Nga luôn tìm cách ngăn cản việc lên án Syria tại Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc.
Hiện tại quân đội Syria được trang bị 90% vũ khí do Liên Xô và Nga sản xuất, trong đó nổi bật là các máy bay chiến đấu MiG 29, máy bay huấn luyện Yak-130, hệ thống phòng không Pantsir và Buk cũng như các tên lửa chống hạm P-800 Yakhont. Syria còn có ý muốn mua của Nga các tên lửa đạn đạo Iskandar và hệ thống phòng thủ tên lửa S-300.
Chỉ trong vòng một năm qua, Nga mất hai nhà nhập khẩu vũ khí là Iran (mất 13 tỷ USD, do lệnh của Liên Hiệp Quốc cấm bán vũ khí cho Iran) và Libya (mất khoảng 4,5 tỷ). Giờ đây Nga hy vọng vớt lại 50% lợi nhuận đã mất từ Iran bằng cách bán vũ khí cho Syria.
Bên cạnh quân sự, các công ty dầu và khí đốt và các doanh nghiệp khác của Nga cũng rất quan tâm tới thị trường Syria.
Các hợp đồng vũ khí với Syria mang lại cho Nga khoản lợi nhuận lớn.
Vì vậy, Yevgeny Satanovsky, Giám đốc Viện nghiên cứu Trung Đông tại Moscow nhận định: “Trong bối cảnh mục tiêu phát triển kinh tế được đặt lên hàng đầu như hiện nay, lãnh đạo Nga không thể nào hùa theo phương Tây lật đổ chế độ Assad bởi làm vậy không khác nào Moscow tự chặn đứng nguồn thu nhập quý giá từ vũ khí của mình. Ngoài ra, Syria gặp họa thì các khoản đầu tư của Nga tại quốc gia này cũng sẽ dễ dàng bốc hơi”.
Lợi ích chính trị
Tuy nhiên, lợi ích kinh tế không phải động lực chính khiến Nga “đi ngược xu thế” trong vấn đề Syria. Bằng cách bảo vệ Syria, giới chức Nga đang muốn chứng tỏ cho cộng đồng quốc tế thấy sự “ngoại phạm” của mình trong cuộc “càn quét” của phương Tây dưới vỏ bọc cuộc cách mạng Mùa xuân Arab.
Nga quyết sát cánh với ông Assad (trái).
Hơn nữa, Nga cũng đã tính toán rất kỹ trước khi đưa ra quyết tâm bảo vệ nhà lãnh đạo Assad. Theo giới chức Nga, sự ủng hộ chế độ Assad sẽ không khiến nước này phải “mất mặt” như trong vấn đề Libya.
Chuyên gia này lý giải, quân đội Chính phủ Syria có sức mạnh hơn nhiều so với lực lượng biểu tình manh mún. Thêm vào đó, lực lượng này cũng sẽ khó có thể nhận được sự ủng hộ từ phía NATO như phe đối lập Libya bởi khối quân sự này đang phải “hồi sức” sau cuộc chiến tại Bắc Phi. Hơn nữa, chắc chắn các quốc gia Arab sẽ không bao giờ chấp nhận việc can thiệp quân sự dù là giới hạn vào Syria.
Do đó, Moscow chẳng dại gì phải thay đổi chính sách đối ngoại với ông Assad khi biết rõ, nhà lãnh đạo này sẽ không thể bị lật đổ, hay ít ra là chưa thể bị đánh gục trong thời điểm hiện tại.
Theo Trà My
Dân Trí