Cuộc sống lay lắt của người đàn bà mù và cô con gái mắc trọng bệnh

daquynh |

Trong một lần khám bệnh miễn phí ở địa phương, cô Sểnh biết thêm con gái mình còn mắc cả căn bệnh máu trắng.

Tìm về thôn Phúc Lý xã Minh Khai huyện Từ Liêm, Hà Nội khi hỏi thăm đường vào nhà cô Sểnh bác bán nước đầu làng nhanh tay chỉ ngay: “Đấy, cái nhà nhỏ nhất ở cuối làng ý, nhà hai mẹ con nó là nghèo nhất xã đấy cháu ạ”.
Người  đàn bà mù nuôi con thần kinh bẩm sinh
Cô tên là Phạm Thị Sểnh năm nay 63 tuổi. Khi tìm đến nhà cô chúng tôi càng hiểu hơn vì sao người trong xã vẫn gọi cô Sểnh là người đàn bà nghèo nhất xã. Người phụ nữ một mắt mù, mắt còn lại cũng lòa chẳng nhìn rõ mặt đứa con gái bị thần kinh từ thưở nhỏ.
cuoc-song-lay-lat-cua-nguoi-dan-ba-mu-va-co-con-gai-mac-trong-benh
Hai mẹ con cô Sểnh.
Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi khi bước vào “mảnh đất cằm dùi” của cô Sểnh là một ngôi nhà lụp xụp, xiêu vẹo chẳng khác gì một túp lều. Ngôi nhà lại được dựng gần mương nước ô nhiễm, những ngày trời nắng hay mưa mùi nước hôi thối bốc lên khiến căn nhà chật hẹp càng thêm ngột ngạt.
Khi được hỏi về hoàn cảnh gia đình, cô ngậm ngùi tâm sự: “Bố tôi nhiều vợ, nhà có 7 anh chị em. Tôi là con bà Ba lại chỉ có một mình nên bị mọi người hắt hủi, giờ đây bố mẹ chết hết rồi anh em ruột thì còn đấy nhưng chẳng có ai thân thiết để nhờ cậy”.
 Đôi mắt cô một bên mù, một bên chỉ nhìn thấy mờ mờ là vì: “Hồi nhỏ tôi bị thủy đậu nhưng cả nhà đang mải cãi nhau chả ai thèm chữa chạy gì nên mới bị mù một bên. Một bên còn lại chắc là do tôi làm lụng vất vả, bụi bặm nhiều nên ngày càng mờ đi ”.
cuoc-song-lay-lat-cua-nguoi-dan-ba-mu-va-co-con-gai-mac-trong-benh
Ngôi nhà siêu vẹo bên mương nước quanh năm bốc mùi của cô Sểnh.
Được biết cô Sểnh có đến 2 đời chồng. Người chồng đầu tiên ốm yếu, bệnh tật liên miên rồi mất. Sau ngày chồng mất cô trở về quê dựng ngôi nhà hiện tại sống một mình.
Nhiều năm sau đó cô có chung sống với một người đàn ông nữa nhưng người chồng này suốt ngày rượu chè, cờ bạc, thường xuyên đánh đập cô.
Bé Lan là con của người chồng thứ hai, cô sinh bé cũng mong muốn mình sẽ có người đỡ đần lúc về già nhưng thật không may bé bị thần kinh bẩm sinh. Mọi sinh hoạt của em đều phải có mẹ giúp đỡ.
Cô Sểnh luôn mong  muốn đưa con đi chạy chữa thuốc thang nhưng cũng vì hoàn cảnh nên “lực bất tòng tâm”.
Khi bé Lan chào đời cũng là lúc người chồng thứ hai bỏ đi bạt sứ để lại mình cô với đôi mắt mù dở nuôi con: “Khổ lắm cô chú ạ, tôi đã mù, đã nghèo thì chớ, con bé lại đau ốm, thần kinh từ nhỏ. Từ khi sinh ra nó đã không biết mặt cha”.
Ngổn ngang bao nỗi lo
Kinh tế của gia đình hoàn toàn phụ thuộc vào thu nhập từ tiền cô đi làm thuê, làm mướn cho người khác. Từ những việc vất vả nhất như vác đá xây đường hay gánh phân tưới đồng người đàn bà 63 tuổi ấy đều làm hết.
“Nhiều nhà họ thương họ cho làm dù mắt mình như thế, nhưng cũng có nhà không cho làm đành ngậm ngùi về không” cô Sểnh chia sẻ.
Cô không biết đi xe đạp, nhiều hôm để kiếm được việc làm thuê cô phải đi bộ tới 4 – 5 cây số. Một ngày làm việc của cô Sểnh thường bắt đầu từ sáng sơm tinh mơ cho tới đêm tối mịt. Tiền cô kiếm được cũng chẳng được là bao, chỉ đủ trang trải cho bữa ăn của hai mẹ con hàng ngày. Nhiều khi ốm đau, bệnh tật chẳng biết trông vào đâu.
Bé Lan bị thần kinh, thường xuyên lên cơn và những khi đi một mình thường vấp ngã. Đi đâu cô cũng phải khóa cửa không cho con ra ngoài vì sợ bé sẽ đi lung tung. “Nhiều khi nó lên cơn tôi chỉ biết ôm con và khóc” cô kể.
Mới đây, trong một đợt tham gia khám và phát thuốc miễn phí, cô Sểnh biết thêm bé Lan mắc cả căn bệnh máu trắng. Dù biết là vậy nhưng cô cũng không thể làm gì hơn. Gánh nặng những bữa cơm hàng ngày đã làm chùn đôi vai gầy guộc của người phụ nữ bất hạnh ấy rồi.
“Thỉnh thoảng, vào những dịp lễ tết chính quyền xã cũng đến tặng quà và động viên. Bây giờ tôi còn khỏe, còn lo được cho 2 mẹ con mấy năm nữa không đi làm được. Tôi thì không sao nhưng thương con bé, chẳng biết rồi sẽ ra sao” cô Sểnh ngậm ngùi kể.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại