Rùa hồ Gươm nổi lên nhiều lần trong suốt tuần này, thu hút sự chú ý của người dân, trong khi các nhà khoa học có ý kiến trái ngược nhau về việc Rùa xuất hiện trong giá rét.
Rùa hồ Gươm nổi vào khoảng 11h10 hôm qua. Ảnh: Bee.net.
8h20 sáng qua cụ Rùa nổi ở khu vực gò giữa hồ, sau đó bơi một vòng tới đoạn trước vườn hoa Lý Thái Tổ, phía đông hồ Hoàn Kiếm. Cụ bơi chầm chậm sát vào bờ, để lại một vệt tăm dài phía sau.
Trước đó một ngày, cụ Rùa cũng xuất hiện ở vị trí tương tự. Rất đông người hiếu kỳ đã tụ tập quan sát Rùa, chụp ảnh và quay phim.
Theo giáo sư Mai Đình Yên, chủ tịch Hội Sinh thái học Việt Nam, thời tiết lạnh, ở dưới nước có lớp bùn ấm hơn, nên việc Rùa hồ Gươm nổi liên tục trong mấy ngày gần đây có thể là hiện tượng lạ.
Giáo sư Yên cho biết, Rùa nổi nhiều hay ít, lâu hay nhanh có thể là do yếu tố thời tiết hoặc môi trường. Thông thường, những ngày thời tiết thay đổi, như ngày nắng, rùa thường nổi lên nhiều hơn để phơi nắng. Thậm chí có con còn bò hẳn lên bờ để “tắm nắng”.
"Có thể môi trường nước hồ đang ô nhiễm trở lại, các nhà quản lý và nhà khoa học cần vào cuộc để tiến hành khám cho Rùa hồ Gươm trở lại", ông Yên nói.
Nhưng cũng có ý kiến ngược lại về hiện tượng Rùa nổi trong trời lạnh. Kể từ trước Tết đến nay, Hà Nội đã chịu một đợt giá rét kéo dài với nền nhiệt trung bình 10-15 độ C.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Thành, Khoa Sinh học, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho rằng, Rùa nổi vào thời điểm lạnh là chuyện bình thường, nổi vào trời nắng ấm mới là chuyện bất thường.
Tiến sĩ Thành giải thích rằng khi trời rét đậm, lớp bùn ở dưới nước cũng không còn ấm, là động vật bò sát biến nhiệt, nên Rùa phải nổi lên mặt nước hấp thụ nhiệt, sưởi ấm, như thế sẽ tốt cho tiêu hóa của Rùa.
Trong khi đó, theo giáo sư Hà Đình Đức, cụ Rùa nổi không hẳn phụ thuộc vào thời tiết, cụ có thể nổi vào bất kỳ ngày nào.
"Nói cụ nổi lên để thở là không có căn cứ, vì rùa ở Hồ Hoàn Kiếm cho thấy rằng, 95% thời gian chúng sống dưới lớp cát dài, không cần phải thở trực tiếp trong không khí", ông Đức nói.
Theo Hương Thu
VNE