Cụ ông thọ nhất Việt Nam vẫn ngọt giọng hò đối đáp

camnhung |

Cùng với người vợ năm nay 88 tuổi, không con, ông bảo sống lâu nhờ luôn lạc quan, yêu đời và những câu hò.

Cụ Lê Văn Nhạc 112 tuổi, sắp được Tổ chức kỷ lục Việt Nam trao chứng nhận người đàn ông thọ nhất Việt Nam.

Vợ chồng cụ Nhạc (sinh năm 1900) đang sống trong căn nhà lá đơn sơ nhưng rất thoáng mát ở thôn Phú Bình - Tân Tường, xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Vợ chồng cụ được chính quyền địa phương xây tặng căn nhà tình thương đã mấy năm nay, nhưng nhà thấp lại lợp tôn nên rất nóng, bởi vậy hầu như mọi sinh hoạt của vợ chồng cụ Nhạc đều ở căn nhà lá phía sau.

Dù không còn đi lại được, nhưng bù lại cụ Nhạc rất minh mẫn, vẫn nhớ vanh vách những sự kiện quan trọng của đời mình và các mốc biến động của lịch sử. Đặc biệt cụ còn thể hiện tài hò đối đáp với khả năng ứng biến sáng tác vần vè rất nhanh. Ngồi bên cạnh cụ Nhạc là người vợ tri kỷ, cụ bà Nguyễn Thị Phương (sinh năm 1924) đang nắn nắn, bóp bóp tay chân cho cụ. Một hình ảnh phản ánh rất đậm nét tính chân thực về tình cảm của người phụ nữ Việt Nam hết mực thủy chung, thương yêu chồng con.

Vợ chồng cụ Nhạc - Phương sống với nhau đến đầu bạc răng long. Ảnh: Nguyễn Thái Bình

Chuyện lấy vợ của anh thanh niên tên Nhạc thật hấp dẫn. Làm mướn cho một gia đình điền chủ trong vùng, người con trai làm công khỏe mạnh, nhanh nhẹn hoạt bát lại có tài hò đối đáp rất hay nên con gái của ông điền chủ là Nguyễn Thị Phương đem lòng thương yêu.

Tấm lòng chân thành của chàng thanh niên làm mướn và nét đẹp đằm thắm của cô thôn nữ tuổi mới trăng tròn vun đắp mối tình của họ ngày càng thắm thiết. Cha mẹ cô gái chê gia cảnh anh chàng không môn đăng hộ đối nên không chịu gả con gái.

Với tình yêu mãnh liệt cùng với sự hợp sức của người yêu và bạn bè, chàng thanh niên điền nông đã dàn cảnh “trộm vợ” để buộc cha mẹ cô gái phải đồng ý gả con gái cho mình.

Cuối năm 1957, cụ Nhạc bị chính quyền Sài Gòn bắt đưa đi giam giữ tại nhà lao Phú Lợi (Bình Dương). Bốn năm ròng ở tù cũng là ngần ấy thời gian cụ bà vừa lo làm kiếm tiền, vừa lo đi thăm nuôi động viên chồng. Đến lúc cụ Nhạc được thả thì những trận đòn tra tấn trong tù khiến ông tàn tạ, mang đủ bệnh tật, bà lại phải chạy vạy khắp nơi tìm thầy, tìm thuốc chữa trị cho ông bình phục.

Đã phải đi tù, nhưng khi được tha về vẫn là Việt Minh, cuộc sống của vợ chồng cụ Nhạc bị bọn Tề, ấp trong làng không để cho yên. Vợ chồng cụ Nhạc phải bỏ làng phiêu bạt khắp nơi, mãi cho đến khi hòa bình mới về lại quê nhà với hai bàn tay trắng.

Trắng tay, không nhà, không cửa, không tiền của thì dần dà sẽ làm nên, nhưng hai cụ còn “trắng tay” cả về đường con cái. “Hồi trai trẻ thì ổng đi kháng chiến biền biệt cả năm, thỉnh thoảng ổng về thăm vợ ào như cơn gió thổi và lại mất hút. Rồi ổng bị bắt giam, chúng tra tấn, đánh đập mấy năm, đến khi ra tù thì thân tàn ma dại… lại phải trốn bọn Tề, bọn ấp nên đâu còn lúc nào để nghĩ chuyện sanh con nữa…”, bà cụ Phương chậm rãi nói.

Cầm chiếc khăn lau mặt cho cụ ông, cụ bà nói tiếp: “Nghèo nhưng ổng rất thương tui. Ở với nhau hơn 70 năm trời, trừ cái đận ổng ở tù không kể, hễ có mặt ở nhà là ổng lo cho tui từng chút, chưa bao giờ rầy la, to tiếng với tui. Ổng không cho tui làm việc nặng bao giờ, từ xách nước, chẻ củi, bưng bê, gánh vác ổng dành làm tuốt. Cho tới giờ, tuy không còn đi lại được nhưng ổng luôn miệng nhắc tôi đi đứng cẩn thận kẻo trượt té”.

Không con cái, bà chăm ông tuổi xế chiều. Ảnh: Nguyễn Thái Bình

Khi được hỏi về bí quyết sống lâu, cụ Nhạc cười: “Làm gì có bí quyết. Cả cuộc đời “qua” ("qua" nghĩa là tôi, tiếng địa phương miền Nam bộ) sống trong ngôi nhà tranh tuềnh toàng gió thổi tứ bề, cơm ăn với muối, rau vườn, cá đồng, làm lụng vất vả quanh năm chỉ mong đủ ăn thì làm gì mà nghĩ ra bí quyết sống lâu sống thọ. Sống được đến bây giờ có chăng là do tinh thần của “qua” luôn lạc quan, vui vẻ, luôn yêu thương mọi người và không phải lo nghĩ nhiều mà thôi”.

Ông Huỳnh Thành Lê, chủ tịch Hội người cao tuổi xã Long Tân cho biết: Cụ Nhạc rất cần cù, siêng năng, chăm chỉ và sống rất tình cảm. Hễ nhà ai có công việc gì là cụ sẵn sàng giúp đỡ đến nơi đến chốn, không quản khó khăn, vất vả. Cụ có mặt ở đâu là nơi đó sôi nổi hẳn lên bởi ngoài tính hài hước với những câu chuyện gây cười. Ông cụ còn là cả một cái “kho” các câu hò đối đáp của vùng Nhơn Trạch xưa.

Sau này tuổi ngày một cao, để đảm bảo sức khỏe cho ông, mỗi khi cụ Nhạc tới đâu mọi người thường yêu cầu ông ngồi một chỗ chỉ kể chuyện và hò vần mà thôi. Giọng hò của cụ như có phép lạ, tạo cho mọi người làm việc hăng say hơn, quên cả mệt nhọc. Trước đây khi còn khỏe mạnh, hễ được gợi hỏi về các câu hò là cả cụ ông cụ bà đều rất say sưa và phấn chấn. Cụ ông hò một câu, cụ bà đáp lại một câu, cả không gian của mùa cấy xưa lại được hiện về.

Gần năm nay sức khỏe yếu dần nên hai cụ không còn giọng còn hơi như xưa nhưng thỉnh thoảng vẫn lầm rầm hò cho nhau nghe. "Hai cụ thực sự là tấm gương cho người dân vùng Nhơn Trạch về tình nghĩa vợ chồng thủy chung, đầm ấm, thương yêu nhau cũng như tinh thần sống vui vẻ, lạc quan yêu đời”, ông Lê nói.

Theo Nguyễn Thái Bình

VNE

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại