Ngay cả lực lượng cảnh sát cơ động cũng bị những kẻ này giả mạo để trấn lột người dân - Ảnh: Thái Sơn |
So với Thông tư 27/2009, Thông tư 65 chỉ bổ sung quy định nghiêm cấm lạm dụng việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp hóa trang trái pháp luật để sách nhiễu, phiền hà, gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Theo đại diện Tổng cục 6, quy định cho phép CSGT hóa trang kết hợp tuần tra, kiểm soát công khai thực hiện từ năm 2009 đến nay đã mang lại nhiều kết quả. Các bước triển khai thực hiện đều phải được tính toán, lập kế hoạch cụ thể. Trường hợp hóa trang để ghi lại chứng cứ phương tiện vi phạm sẽ phải do người đứng đầu công an cấp huyện, trưởng phòng CSGT cấp tỉnh, trưởng phòng hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông (Cục CSGT đường bộ - đường sắt) phê duyệt.
Trường hợp cần bố trí lực lượng hóa trang kết hợp công khai ngăn chặn, đấu tranh với các hành vi vi phạm trật tự sẽ do giám đốc công an tỉnh trở lên, cục trưởng cục CSGT đường bộ - đường sắt phê chuẩn. Trong quá trình tuần tra, lực lượng CSGT hóa trang luôn phải giữ một khoảng cách với lực lượng mặc sắc phục.
Khi phát hiện vi phạm sẽ phải thông báo qua bộ đàm để lực lượng mặc sắc phục có mặt xử lý. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nếu nhận thấy cần thiết phải ngăn chặn ngay hành vi vi phạm gây nguy hiểm, lực lượng CSGT hóa trang có thể “ra tay” ngay lập tức. Sau khi chặn xe, CSGT hóa trang phải xuất trình ngay giấy chứng minh công an nhân dân và nói với người vi phạm về việc mình là công an.
Lợi bất cập hại
Trao đổi với Thanh Niên, luật gia Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, bày tỏ mối băn khoăn của mình. “Tôi còn nhớ suốt một thời dư luận xã hội và cả những người làm luật dấy lên phản đối về việc này. CSGT cứ “núp” ở đâu đó rồi nhảy ra đường chặn xe, xử phạt, rõ ràng là không được đàng hoàng”, ông Quốc Anh nói.
Ông Quốc Anh cho rằng nếu có nhiều kẻ xấu lợi dụng việc này thì xã hội sẽ loạn cả lên. Tất nhiên, khi ban hành ra một quy định, Bộ Công an sẽ đưa kèm những giải pháp, rồi yêu cầu khi chặn xe để ngăn chặn một hành vi vi phạm giao thông thì CSGT hóa trang phải xuất trình thẻ chứng minh công an nhân dân. Tuy nhiên, nếu vào ban ngày thì chưa nói làm gì nhưng đêm tối chập choạng người dân khó có thể phân biệt được ai là CSGT hóa trang “xịn”, ai là kẻ xấu.
“Để người dân tuân thủ pháp luật một cách nghiêm minh thì cơ quan thực thi cũng phải xử phạt một cách nghiêm minh, công khai. Phạt nặng là tốt nhưng biến vào hình thức hóa trang thì phải xem xét lại. Bây giờ cái gì người ta cũng làm giả được huống hồ mấy chiếc thẻ chứng minh công an. Tôi nghĩ rằng không nên thực hiện theo cách này”, ông Quốc Anh bày tỏ quan điểm.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính quy định việc xử lý vi phạm phải trên nguyên tắc công khai, minh bạch. Hơn nữa, các vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông chưa tới mức phải ngăn chặn ngay. Trường hợp có biểu hiện hoặc có thể gây ra nguy hiểm cho xã hội thì lúc đó phải có lực lượng khác tham gia vào, như lực lượng cảnh sát cơ động...
Mặt khác, trong những tình huống phát hiện người điều khiển phương tiện có biểu hiện vi phạm giao thông nghiêm trọng như tổ chức đua xe, có hung khí nếu không phối hợp với lực lượng công an hình sự để xử lý mà các CSGT hóa trang cứ lao vào ngăn chặn thì sẽ gây nguy hiểm cho chính bản thân họ.
Người dân lâm nạn |