Theo ông Trần Thuỳ, PGĐ Công an Hà Nội, cùng với giảm 10% số người chết và 20% số vụ ùn tắc, để lập lại trật tự lĩnh vực giao thông trên địa bàn thành phố, Công an Hà Nội được Bộ Công an giao chỉ tiêu năm 2012 phải xử phạt vi phạm trên lĩnh vực giao thông gần 500 tỷ đồng. Đây là nhiệm vụ mà Công an Hà Nội, cụ thể là CSGT phải thực hiện trong năm tới.
Thưa ông, chức năng chính của CSGT là hướng dẫn, điều tiết giao thông, sau đó mới đến xử lý vi phạm. Liệu với mức “khoán” chỉ tiêu như vậy có ảnh hưởng đến công việc của anh em?
Bộ đưa ra chỉ tiêu như vậy là để khuyến khích anh em phấn đấu, nâng cao trách nhiệm trong công việc chứ không áp đặt. Nhiệm vụ chính của CSGT vẫn là đảm bảo giao thông. Thực tế để đạt được con số này là rất khó, nhất là đối với các quận nội thành, khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc. Tại đây, anh em thường phải căng mình hướng dẫn, điều tiết giao thông, thời gian để làm nhiệm vụ xử phạt là rất ít.
Năm tới CSGT Hà Nội phải tăng cường xử phạt để đạt mức khoán 500 tỷ đồng
Tuy nhiên, có thông tin cho rằng năm 2011, Công an Hà Nội được giao chỉ tiêu xử phạt hơn 220 tỷ đồng, con số này đến nay gần như đã đạt được. Phải chăng đây là cơ sở để Bộ Công an “khoán” mức mới?
Thực tế năm 2011, Công an Hà Nội được giao chỉ tiêu xử phạt hơn 220 tỷ đồng, nhưng như tôi đã nói ở trên đây là mức phạt rất khó thực hiện. Công an thành phố bắt đầu triển khai chỉ tiêu này từ 1/1/2011 và sẽ kết thúc vào 31/12 tới. Các phòng chức năng đang thống kê số liệu, sau đó mới đưa ra được con số cụ thể.
Việc Bộ đưa ra chỉ tiêu tăng gấp đôi số tiền thu từ xử phạt vi phạm giao thông vào năm 2012 là xuất phát từ tình hình giao thông đang có những diễn biến phức tạp và phải lập lại trật tự. Hơn nữa, năm 2012 là năm An toàn giao thông nên Bộ đưa ra con số trên để khuyến khích anh em làm việc.
Để đạt được chỉ tiêu trên, trong năm tới công an Hà Nội sẽ phải làm những gì?
Xử phạt như thế nào thì xử phạt, nhưng nhiệm vụ chính của CSGT vẫn là đảm bảo giao thông trên đường. Tuy nhiên để hỗ trợ CSGT hoàn thành tốt nhiệm vụ, năm tới thành phố tiếp tục tăng cường các lực lượng như Cảnh sát trật tự, Cảnh sát cơ động, công an các địa phương... để hỗ trợ.
Riêng việc xử phạt, cùng với siết chặt, tăng cường xử lý các lỗi vi phạm như hiện nay, năm tới người điều khiển mắc các lỗi như phương tiện không có gương chiếu hậu, rẽ trái, rẽ phải không bật xi nhan... cũng bị xử lý, thậm chí tăng mức phạt theo Nghị định 34.
Một phần số tiền xử phạt hằng năm được giữ lại cho CSGT, không những thế vừa qua Công an thành phố còn kiến nghị giữ lại toàn bộ. Ông cho biết số tiền được giữ lại để làm gì?
Số tiền xử phạt vi phạm giao thông hằng năm được trích lại một phần để cho CSGT mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc và thưởng cho anh em hoàn thành tốt nhiệm vụ (nếu còn). Ngoài chế độ nhà nước, để anh em trực tiếp làm nhiệm vụ ngoài đường có thêm một khoản phụ cấp, sắp tới công an thành phố muốn giữ lại toàn bộ khoản tiền thu từ xử phạt để hỗ trợ anh em.
Cảm ơn ông!
Theo VTC