Công nhân Công ty Chư Pah cũ bày tỏ sự bức xúc với các PV
Công ty cũ làm ăn thua lỗ triền miên, hơn 700 công nhân Công ty Cà phê Chư Pah (Ia Grai, Gia Lai) hy vọng sáp nhập vào công ty mới cuộc sống sẽ khá hơn, không ngờ “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”.
Sáng 13-8, cả trăm công nhân thuộc Công ty Cà phê Chư Pah cũ kéo lên trụ sở tiếp dân của UBND tỉnh Gia Lai khiếu kiện.
Phát canh thu nợ?
Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Văn Phương, công nhân đội 1 bức xúc: Vườn cà phê của tôi đã 24 tuổi, năng suất chỉ 7 – 8 tấn tươi/ha. Với mức khoán hiện nay, chẳng khác nào công ty bắt chúng tôi bỏ tiền túi đền sản phẩm. Vì phản đối, tôi bị giám đốc kỷ luật, cách chức tổ trưởng. Không riêng ông Phương, hàng trăm công nhân cũng đang sục sôi bất bình…
Công nhân Công ty Chư Pah cũ bày tỏ sự bức xúc với các PV
Sự việc bắt đầu từ tháng 4-2011. Sau hơn 20 năm tồn tại do làm ăn thua lỗ, Công ty Cà phê Chư Pah bị giải thể để sáp nhập vào Công ty cà phê tỉnh với khoản nợ hơn 42 tỷ đồng. Để “tiêu” được khoản nợ này, ông Võ Ngọc Hiếu – Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cà phê Gia Lai đã “khéo” nghĩ cách: Tăng sản lượng khoán.
Trước đây công ty cũ chỉ khoán 3,8 tấn cà phê quả tươi/ha, hỗ trợ 100% nước tưới, công bảo vệ, vận chuyển sản phẩm. Nay trên cùng một đơn vị diện tích, mức khoán được nâng lên 4,4 - 5 tấn/ha. Đã vậy từ năm 2013 trở đi, công nhân phải chịu 7 khoản đầu tư, bao gồm: Tiền công, tiền lương, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới, thu hái…
Theo tính toán của công nhân, nếu chấp nhận mức khoán này thì với giá cà phê hiện tại, mỗi năm công nhân sẽ lỗ khoảng 40 triệu đồng. Bình quân mỗi ha công nhân sẽ phải gánh hơn 16 triệu đồng món nợ của công ty…
Ép công nhân bằng mọi giá?
Theo nhiều công nhân, tại đại hội công nhân viên chức mới đây của đội 1, ông Võ Ngọc Hiếu đã tuyên bố: Mảnh đất nào gây nên nợ thì phải trả nợ. Như vậy là không phải ngụy biện qua những con số, vị giám đốc này đã công nhiên buộc công nhân phải gánh nợ cho công ty.
So với các đơn vị trong công ty, chúng tôi phải nộp khoán cao hơn gần 1,2 tấn; với các đơn vị trên cùng địa bàn, chúng tôi phải nộp hơn 2 tấn. Nếu chấp nhận mức khoán này, công nhân chỉ có bỏ tiền ra đền sản lượng, nói gì đến việc kiếm sống trên vườn cây giao khoán.
Ông Trần Lâm Úy - Phó Chủ tịch Công đoàn đội 8
Để thực hiện ý muốn của mình, trong thông báo mới nhất – ngày 16-7-2011, ông Võ Ngọc Hiếu kết luận: Dứt khoát không giảm sản lượng, bởi phương án khoán mới chỉ tính có 1/2 số nợ của công ty. Thông báo tuyên bố những công nhân chưa ký giao khoán hoặc ký sau ngày 15-7-2011 sẽ bị xử lý.
Và thực tế ông Hiếu đã cách chức tổ trưởng tổ sản xuất của ông Nguyễn Văn Phương. Ba đại biểu do đại hội CNVC đội 1 bầu đi dự đại hội công ty bị gạt ra…
Việc làm của ông Võ Ngọc Hiếu đã gây nên sự phản ứng đặc biệt của 74 công nhân chưa ký hợp đồng giao khoán. Theo họ, ông Hiếu đã can thiệp trái nguyên tắc vào vai trò của tổ chức Đảng, công đoàn; vi phạm nguyên tắc dân chủ để thực hiện bằng được ý muốn cực đoan của mình.
Lẽ ra với khoản nợ của công ty cũ, trên cương vị là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty, ông Võ Ngọc Hiếu phải tìm mọi biện pháp kinh doanh có lãi để trả nợ thì ông lại chọn việc dễ dàng hơn là đổ nợ cho công nhân.
Theo Dân Việt