Không phải ngẫu nhiên mà có sự quy ước phụ nữ là phái yếu, đàn ông là phái mạnh. Và đương nhiên, phái mạnh phải che chở, bảo vệ cho phái yếu đặc biệt là giữa những người sống chung trong một gia đình, giữa chồng và vợ, giữa con trai và mẹ... Nhưng cho tới hôm nay, lẽ đời kia đã bị đảo lộn. Bằng chứng rõ mười mươi là việc một cậu con trai túm tóc để cho người bố không bị vướng tay khi đánh mẹ mình.
Xung quanh câu chuyện bạo hành của một gia đình giữa thủ đô, người đời lại được giật mình thêm một lần nữa. Thì ra đến thế kỷ XXI văn minh này, nhiều người đàn ông vẫn thích dùng nắm đấm để chứng tỏ vị thế của họ trong gia đình, biến mái ấm của chính mình thành một võ đài.
Cái kết cục mặt mũi tím bầm và phải nhập viện vẫn là nhẹ nhàng cho cuộc chiến căng thẳng trong gia đình. Có lẽ sống trong ngôi nhà địa ngục trần gian nhiều năm nên người đàn bà "giỏi nhẫn nhục" có đủ khả năng để không ngất đi sau trận đòn dữ như vậy. Đó cũng là bi kịch lớn nhất của một người phụ nữ: Bi kịch chứng kiến chồng con đang mất dần nhân tính trước mặt mình.
Bạn có xót xa không khi nhìn những bức ảnh người phụ nữ đau đớn trên giường bệnh kia? Còn tôi câu trả lời là: "Có".
Ấy thế mà bên cạnh những ý kiến phẫn nộ, sôi sùng sục trước hành động của đứa con bất hiếu, của người chồng bất nhân, vẫn có người lên tiếng bênh vực cho hai người đàn ông với vẻ ngoài đạo mạo.
Họ lập luận rằng: Chắc gì hai người đó đã sai / Chắc gì sự việc đã phải như lời người đàn bà mình đầy thương tích kia kể lại / Có khi cũng tại cái mồm người này còn dám chửi chồng sau khi dính ăn đấm đến xa xẩm mặt mày, đến “đái cả ra quần” mà cơ sự mới đến nông nỗi ấy…
Nhưng thử hỏi trong văn hóa của phương Đông, có đạo lý nào cho phép chồng được đánh vợ, con được đánh mẹ tàn bạo như vậy. Và hẳn nhiên, nắm đấm cũng không làm cho những trụ cột trong gia đình trở nên vững chắc hơn.
Sẽ có thật nhiều gai góc mọc lên trên những cái trụ ấy sau mỗi lần họ ra tay đánh đập vợ con. Thử hỏi có người phụ nữ nào sung sướng, hạnh phúc khi cả đời phải dựa vào cái trụ mà bất cứ lúc nào cũng có thể làm mình "đau đớn ê chề" như vậy.
Võ đài là nơi người ta liên tiếp ra đòn với mong muốn hạ knock out đối thủ. Cách hành xử của hai người đàn ông trong gia đình kia chẳng khác nào trên võ đài, điểm khác duy nhất là đối thủ của họ là vợ/là mẹ của mình. Mái ấm vì thế biến thành sàn đấu thiếu tính người và tình người hơn bao giờ hết. Trên cõi đời mênh mông này còn có biết bao căn nhà bất đắc dĩ bị biến thành nơi nắm đấm ngự trị như vậy!?
Người ta vẫn nói gia đình là tế bào của xã hội. Và hôm nay, cả xã hội đang nhói buốt, quằn quại vì những tế bào không lành lặn như thế kia. Sẽ có thêm nhiều người mẹ mà thân xác và tâm hồn bị ăn mòn do dư chấn từ những quả đấm nếu những người đàn ông dưới mỗi mái ấm không thôi vũ phu.