Trong khi đó, các bản Tấm Cám trước đây có phần kết với nội dung sau khi Cám chết, Tấm đem làm mắm và gửi dì ghẻ ăn.
"Tôi ủng hộ cách sửa này"
Anh Lê Hải (Định Công, Hà Nội) cho biết: "Mình đồng tình với cách thay đổi như thế này nhẹ nhàng hơn đỡ tàn nhẫn hơn. Ngày trước tôi đọc truyện này không bao giờ đọc phần cuối hết".
"Tôi ủng hộ cách sửa này. Nếu bảo dạy cho các em hiểu bản chất con người có thể thay đổi ra sao sau đó thì chẳng phải là quá khó khăn với độ tuổi của các em sao?", độc giả Nguyễn Hà, Thái Bình nói.
Không nên sửa và dạy ở cấp cao hơn
Anh Ngọc Tú (Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng nên giữ nguyên cái kết của Tấm Cám nhưng "dạy ở lớp cao hơn". Anh viết" "Tôi nghĩ đây là cái kết phản ánh bản tính thật thà, căm ghét cái ác và bênh vực cái thiệt của những người dân chân chất. Lúc đó học sinh sẽ hiểu là chẳng có cô Tấm nào lại có nhân cách không thống nhất và ra tay tàn ác như vậy, chẳng qua là người kể (theo cách truyền miệng dân gian) đã thêm thắt để thể hiện sự bức xúc trước sự độc ác của mẹ con Cám và cho rằng hai mẹ con phải bị như thế mới hả dạ".
Đồng quan điểm trên, bạn Đào Tuyên (ĐH Văn Hóa, HN) cho rằng: "Nên tôn trọng tác phẩm văn học dân gian đã được truyền lại từ đời xửa đời xưa đến giờ".
Độc giả này phân tích: "Hãy thẳn thắn nhìn nhận vấn đề. Thay vì phải bắt buộc học sinh phân tích được hình tượng cô Tấm ngoan hiền, đức hạnh, thì hãy hướng cho học sinh tự nhìn nhận được bản chất của một con người có thể thay đổi từ tốt thành xấu như thế nào. Trong đó cô Tấm là ví dụ tiêu biểu của một con người bị chi phối bởi lòng thù hận còn mẹ con Cám là những người xấu phải chịu quả báo. Tôi tin học sinh trung học phổ thông đã đủ lý trí để đánh giá và phân tích các nhân vật trong câu truyện".
Đoạn kết của truyện cổ tích Tấm Cám trong SGK Ngữ văn 10. Ảnh: VNN
Chị Việt Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng cho rằng không nên sửa kết thúc của truyện Tấm Cám. Tuy nhiên theo chị không nên đưa vào chương trình phổ thông, chỉ dành để làm tài liệu giảng dạy hoặc nghiên cứu ở các bậc cao hơn (cao đẳng, đại học, sau đại học).
Độc giả hiến kế đổi kết thúc chuyện Tấm Cám
Cũng có ý kiến cho rằng kết như hiện nay, ngay cả bản chỉnh sửa cũng vẫn bị lẫn lộn thiện -ác. Theo một số độc giả đây là truyện dân gian, do dân gian sáng tạo nên và truyền miệng từ thế hệ này qua thế hệ khác. Vậy thế hệ chúng ta có thể sửa rồi lại truyền sang thế hệ sau.
"Tại sao phải cố giữ cái kết cũ làm gì nhỉ, nhất thiết là phải giết bằng cách dã man là đổ nước sôi và độc ác là cho mẹ ăn thịt con sao, sao không để kết nhẹ nhàng hơn chẳng hạn như cô Tấm về đuổi mẹ con Cám đi biệt xứ, hay Tấm giao mẹ con Cám cho tòa án xử và mẹ con Cám bị xử tù hoặc lưu đày gì đó", độc giả Phan Tứ (Hà Nam) nói.
Đồng tình với ý kiến trên, em Tuệ Trang (học sinh lớp 10) cho rằng sẽ nhẹ nhàng hơn nếu sửa như sau: "Cám thấy Tấm xinh đẹp nên hỏi bí quyết và được Tấm chỉ cho 1 loại thảo dược quý. Mẹ con Cám háo hức bôi lên và bị nổi nhọt khắp mặt và trở nên rất xấu xí. Sau đó bị cả làng xua đuổi và phải bỏ đi biệt tích".
Còn theo ý kiến của bạn Nguyễn Hà (Hà Nội), cả 2 cái kết trên đều không mang tính nhân văn và ảnh hưởng không tốt đến việc giáo dục nhân cách học sinh. "Đã gọi là sửa để giảm bớt hình ảnh trả thù độc ác của 1 cô Tấm dịu hiền thì sao không bớt hẳn đi mà vẫn còn hình ảnh sai lính dội nước sôi, rồi vẫn còn để cảnh người dì ghẻ phải chứng kiến cảnh con gái mình bị giết chết. Phải chăng nên sửa đổi 1 cái kết có hậu hơn. Ví dụ như Cám bị sét đánh hay bị mọi người xa lánh chẳng hạn hay Cám hổ thẹn bỏ đi một nơi rất xa và bắt đầu cuộc sống mới giúp đỡ mọi người".
Theo Bee.net