Trong khuôn khổ chương trình trao đổi với chủ đề “Cải cách hệ thống chính quyền địa phương ở Việt Nam- Cấp huyện hay cấp xã?” được tổ chức vào tối 6/12, tại Trung tâm Việt – Đức, Đại học Bách Khoa Hà Nội, do đại sứ quán Đức phối hợp với Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD), Viện Goethe (GI), tổ chức GIZ tổ chức.
PGS.TS Nguyễn Như Phát, Viện trưởng Viện Nhà nước và pháp luật, Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã bày tỏ ý kiến cá nhân cho rằng, trong việc thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp quận, huyện, phường hiện thì chỉ nên bỏ HĐND cấp huyện.
Quang cảnh buổi trao đổi với chủ đề “Cải cách hệ thống chính quyền địa phương ở Việt Nam- Cấp huyện hay cấp xã?” |
Đồng thời với đó, ông Phát cũng nhấn mạnh, nên giữ nguyên HĐND và UBND cấp xã, bởi đây là chính quyền cấp cơ sở, gần, sát dân nhất nên có thể nắm rõ được các vấn đề bức thiết với họ. Đồng thời, có chính sách nhằm nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.
Trong khi đó, từ thực trạng của chính quyền địa phương ở Việt Nam và so sánh với mô hình thực hiện phân cấp tại Nhật Bản, Tiến sĩ Phan Thị Lan Hương, Đại học Luật Hà Nội lại đưa ra đề xuất, chỉ nên tổ chức hệ thống chính quyền địa phương theo hai cấp là tỉnh và huyện. Xóa bỏ hệ thống HĐND và UBND cấp xã, thay vào đó là thành lập các văn phòng chi nhánh của huyện để thực hiện hoạt động quản lý hành chính nhà nước.
Cùng với đó, tiến hành bầu cử trực tiếp chức danh chủ tịch UBND hai cấp huyện, tỉnh. Tăng cường hoạt động giám sát của HĐND, đồng thời quy định rõ chức năng, nhiệm vụ mỗi cấp và mối quan hệ giữa trung ương – địa phương.
TS Hương cũng nhấn mạnh đến việc, cần phải có chính sách để tăng cường sự tham gia của người dân trong hoạt động lập quy hoạch và ban hành chính sách ở địa phương.
Trước đó, theo một báo cáo được Bộ Nội vụ, cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương đưa ra hồi tháng 6/2012 về thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường cho biết, sau 3 năm thực hiện ở 10 tỉnh, thành phố với 67 huyện, 32 quận và 483 phường cho thấy việc thí điểm đã đạt được một số mục tiêu, yêu cầu mà Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) đề ra, tạo sự chuyển biến trong cải cách hành chính, từng bước tổ chức hợp lý chính quyền địa phương.