Đi tìm cô gái "nổi tiếng" vì tên dài nhất tỉnh Thái Nguyên

Nguyễn Huệ - Lê Minh |

Cô gái sinh năm 1986 Đào Thị Long Lanh Kim Ánh Dương đã khiến vùng quê không có 1m đất để trồng lúa là xóm 6, xã Tân Linh bỗng chốc trở nên “nổi tiếng”.

LTS: Trong hành trình đi tìm và giải mã những người có tên lạ nhất Việt Nam, chúng tôi đã gặp hết bất ngờ này đến bất ngờ khác từ các câu chuyện rất đặc biệt. Trân trọng mời quý độc giả theo dõi.

* Bài 1: Người có tên độc nhất vô nhị ở Việt Nam: Lê Tắt Nến

Mời chúng tôi cốc nước trà, đặc sản của vùng đất Thái Nguyên, ông Đào Sinh Hoạt (xóm 6, xã Tân Linh, Đại Từ, Thái Nguyên) chỉ về phía đứa cháu gái đang nghịch chơi ngoài sân. “Đây là cháu ngoại tôi. Mọi người gọi nó là Thỏ, tên thật là Ánh, tên ngắn gọn, không như tên mẹ nó là Đào Thị Long Lanh Kim Ánh Dương. Giờ sợ đặt tên dài rồi”, ông cười vui vẻ...

Và câu chuyện về cô gái sinh năm 1986 có cái tên dài nhất tỉnh Thái Nguyên đó đã khiến vùng quê không có 1m đất để trồng lúa là xóm 6, xã Tân Linh bỗng chốc trở nên “nổi tiếng”. Người trong làng đi ra ngoài làm ăn, vui chơi hay công tác đều được hỏi thăm về cô gái có cái tên đặc biệt ấy cũng như “số phận” của cái tên này.

Lối vào ngôi nhà của cô gái có tên dài nhất tỉnh Thái Nguyên
Lối vào ngôi nhà của cô gái có tên dài nhất tỉnh Thái Nguyên

Chị H. (nhà gần trường tiểu học Tân Linh, chủ 1 cửa hàng ăn) giữ ấn tượng về cái tên Đào Thị Long Lanh Kim Ánh Dương trong suốt gần 20 năm nay, từ khi cô gái ấy còn là học sinh tiểu học. “Mỗi kì nhà trường tổng kết năm học, đọc tên học sinh giỏi, học sinh tiên tiến trên loa, tới lớp của cô bé ấy, mình ở trong nhà lại “hóng”. Nghe mãi mới hết tên”, chị H. dí dỏm.

Khi chúng tôi tới xã bên cạnh, cách nơi ở của Ánh Dương chừng 5 - 6km, mới chỉ nói qua tên của Đào Thị Long Lanh Kim Ánh Dương, bà Thịnh (xã Phục Linh, Đại Từ) đã đọc được cả địa chỉ nhà của Dương: “Con bé ấy học cùng khóa với con gái nhà tôi thưở cấp 3 tại trường THPT Đại Từ. Cũng có vài ba lần nó đi học về và kể ở trường có 1 bạn tên rất dài. Nghe qua 1 lần là tôi ấn tượng mãi. Cũng 10 năm có lẻ rồi mà tôi chưa quên được cái tên ấy”.

Sự nổi tiếng của Ánh Dương không chỉ trên địa bàn Tân Linh và các xã lân cận mà còn mở rộng ra địa bàn tỉnh. Khi chúng tôi tìm tới trường THPT Nguyễn Huệ (thị trấn Đại Từ, huyện Đại Từ) để hỏi thăm về cô gái có cái tên dài ấy, mặc dù Ánh Dương đã ra trường 10 năm và ngôi trường Dương học cũng cách đó gần 10km, nhưng cô văn thư ở đây vừa nghe tên đã tận tình: “Em ấy không học ở trường này nhưng mọi người ở đây đều biết. Em ấy học ở trường THPT Đại Từ”.

Trường THPT Đại Từ, ngôi trường cấp 3 mà Đào Thị Long Lanh Kim Ánh Dương theo học
Trường THPT Đại Từ, ngôi trường cấp 3 mà Đào Thị Long Lanh Kim Ánh Dương theo học

Một cô giáo đi vào thấy người lạ bèn hỏi cô văn thư: “Các bạn ấy tìm ai vậy?”. Cô văn thư cười hiền: “Tìm bạn có cái tên 7 – 8 chữ học bên trường Đại Từ ấy”, cô giáo này “à” một tiếng rồi lại sải bước đi về phía lớp học.

Giáo viên của trường THPT Đại Từ khi nghe hỏi về Ánh Dương cũng xôn xao: “Ngày trước em ấy đi học hay được mọi người tới “xem mặt”, các bạn khóa sau cũng không bỏ qua cơ hội được gặp cô gái có cái tên rất lạ ấy”, cô Lợi - cán bộ văn thư của trường THPT Đại Từ tâm sự.

Nhân đó, cô Lợi kể cho chúng tôi câu chuyện về cậu học trò có tên Lỗ Anh Yêu (học hệ bán công, ra trường cách đây 2 năm) đã từng không ít lần “làm khó” giáo viên đặc biệt giáo viên nữ khi gọi tên “Anh Yêu” lên bảng. Chính cái khó ấy nên Anh Yêu thường được mọi người gọi bằng “bạn”.

Trở lại với cô gái có tên Đào Thị Long Lanh Kim Ánh Dương, ông Trần Đình Tiến (Phó Chủ tịch xã Tân Linh) cũng được bên bảo hiểm hỏi thăm về cô gái có tên dài nhất tỉnh Thái Nguyên mà hộ khẩu thường trú tại nơi ông quản lý, khi mỗi lần ông lên họp trên huyện. “Tên này là dài nhất huyện rồi. Tôi đi ra ngoài nhiều nhưng chưa khi nào gặp tên dài như thế” – ông Tiến khẳng định.

Bộ hồ sơ thi công chức có ghi đầy đủ tên của Ánh Dương

Bộ hồ sơ thi công chức có ghi đầy đủ tên của Ánh Dương

Một cán bộ tư pháp của xã Tân Linh cũng từng được người ở nơi khác “hỏi thăm” về Ánh Dương: “Bạn học cùng khóa với tôi khi nhập hồ sơ cũng bảo, trong quê ông có đứa em tên dài lắm. Lúc ấy tôi bắt đầu thấy có hiện tượng cô bé ấy có nhiều người để ý rồi” – vị cán bộ tư pháp này cho hay.

Còn với ông Đào Duy Thường (trưởng xóm 6), câu chuyện về Ánh Dương dường như không phải là điều gì lạ lẫm với ông vì: “Từ nhỏ con bé Dương vẫn hay chạy sang nhà tôi chơi. Chúng tôi gọi nó là Dương. Chỉ những ai liên quan tới giấy tờ hành chính và người nhà của Dương mới biết tên nó dài như thế. Giờ các bạn đi hỏi nhiều người ở đây chưa chắc họ đã biết vì cháu nó đi học xa nhà thường xuyên, không mấy khi ở địa bàn. Khi hay tin ông Hoạt đặt tên con với nhiều kí tự, tôi có hỏi nhưng ông ấy chỉ nói “thấy hay thì đặt” chứ không có dụng ý hay kỉ niệm nào liên quan. Tôi nghe nhiều cũng thành quen rồi nên chưa khi nào bị nhầm lẫn trong việc làm giấy tờ cho cháu. Các con nhà ông Hoạt cũng chỉ cả họ, tên đệm và tên là ba chữ. Duy nhất mình nó là “đặc biệt”. Nhà tôi thì cứ con trai đệm Văn, con gái đệm Thị cho dễ làm giấy tờ mà cũng dễ gọi” – ông Thường nói.

Ông Đào Sinh Hoạt (bố của Đào Thị Long Lanh Kim Ánh Dương)
Ông Đào Sinh Hoạt (bố của Đào Thị Long Lanh Kim Ánh Dương)

Trở lại câu chuyện của ông Đào Sinh Hoạt với những chia sẻ về con gái mình, ông cười: “Cái tên của tôi cũng khá “độc”. Khai sinh tôi là Văn Hoạt nhưng ngày còn đi học, thứ 7 hàng tuần có tiết sinh hoạt, bạn bè trêu đùa chế thành Sinh Hoạt. Từ đó tôi cũng có cái tên “độc” như thế. Cái Dương nhà tôi giờ đi làm ở khu công nghiệp Sam Sung (Phú Yên, Thái Nguyên – PV), thỉnh thoảng mới về. Vì cái tên dài ấy mà nó cũng khó xin việc, học kế toán nhưng giờ làm công nhân. Ông chủ người Hàn Quốc khi nghe tên nhân viên của mình cũng tò mò tới xem mặt”.

* Còn tiếp...

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại