Cô đồng nát góa phụ mong có mấy chục nghìn để làm cây cầu khỉ

hoanghuyen |

Một ước mơ nhỏ nhoi nhất trên đời mà dường như quá khó với những người ở tận cùng của cái nghèo.

Bao năm không về thăm quê vì không có tiền

Cô Nguyễn Thị Hà sinh ra và lớn lên ở vùng đất Hưng Yên cũng chẳng cách xa Làng Chài này là mấy. Thế mà không biết đã bao lâu cô không trở về mảnh đất ấy, không phải vì ghét bỏ một ai ở đó, mà đơn giản là không có tiền để về quê.

Gặp chúng tôi khi buổi chiều đã xuống muộn, cô Hà buồn buồn kể lại chuyện của gia đình mình. Giờ trong chiếc thuyền kia chỉ có hai mẹ con cô ở. Hai người con lớn đã đi lập gia đình, cũng chẳng khấm khá gì. Cô con gái út thì chưa đi làm về.

Buổi chiều mùa thu buông nhanh cái tối xuống mảnh đất tận cùng của nghèo khổ này. Cô bỏ dép ngồi cạnh đống rác thải thi thoảng lại thấy bịch một cái, túi rác từ trên bờ bay xuống gần chỗ cô ngồi. Trong bóng tối, đôi mắt cô nhìn về phía bãi rác, nơi có một lối đi vừa nhỏ, vừa trơn, vừa ngoằn nghèo gồ ghề cô bảo: “Đáng lẽ giờ này nó phải về rồi chứ. Chắc là lại tắc đường rồi. Đường xuống đây khó lắm, tối về lại có nhiều rắn rết nữa, nên cô lo”.

Con gái cô Hà mới học được cái chữ đã phải nghỉ học vì nhà không có tiền, lại thương mẹ nghèo khổ đành đi làm thuê đỡ đần mẹ. Cả tháng làm quần quật em cũng chỉ được trả hơn một triệu, đi lại, ăn uống cũng chẳng còn là bao nhiêu.

co-dong-nat-goa-phu-mong-co-may-chuc-nghin-de-lam-cay-cau-khi
Người mẹ già nghèo khổ ở xóm chài đứng ngóng con đi làm về

Cô đưa mắt nhìn ra ngoài con nước mênh mông kia mà kể chuyện đời mình: “Cô lấy chồng sớm khi mới 17 tuổi thôi. Ở quê không học hành nó vậy cháu ạ. Những tưởng được nhờ nhà chồng nhưng ai dè càng khổ đủ đường hơn”. Cô cố gắng tiếu táo mà trêu rằng: “Ở xóm chài này hầu hết là toàn đàn bà hóa thôi”.

Người con trai duy nhất có gia đình nhưng vẫn phụ thuộc rất nhiều vào cô. Cô nói với giọng vừa thương lại vừa trách: “Nhà nó đã nghèo ở quê chả làm ăn được gì lại còn cố mà đẻ nhiều để lấy thằng con trai. Khổ lắm cơ. Nhiều khi nó đến thăm cô mà không biếu được tấm quà nào còn bảo mẹ ơi vay cho con 1 triệu để đóng học cho cháu. Cô lại phải chạy sang thuyền bên mà mượn tạm để đưa con. Rồi đến tháng em nó lĩnh lương thì trả người ta. Tháng đó là chỉ có trông vào tiền cô đi nhặt đồng nát thôi”.

Bình thường cô khỏe mạnh thì đi nhặt cái rác để mà kiếm miếng ăn cho qua ngày. Hôm nay trở giời, cô đau hết cả mình mẩy nên chỉ đi được buổi sáng, buổi chiều thì ở nhà vậy.

Nhà cô ra đây là thuyền thứ hai ở khu này, tính ra thấm thoát cũng 16,17 năm rồi. Khi đó thuyền còn ở ngay sát dưới gầm cầu ấy, còn giờ thì nó đã trôi tít ra đây. Hồi ấy ở đây heo hút, lau sậy nhiều lắm. Cô thấy có người bảo ra sông Hồng mà ở thế là cô mua một cái thuyền 2 trăm nghìn mình tìm thêm ít cọc tre mà giữ thuyền lại. “Nếu mà có tiền, có điều kiện thì cũng chẳng phải khổ thế này đâu, bất đắc dĩ thôi cháu ạ” Cô Hà ngậm ngùi kể.

Chỉ mong một cây cầu khỉ vài chục nghìn

Cảnh sinh hoạt ở làng Chài giờ cũng khá hơn so với những ngày trước nhiều có thêm điện, thêm nước sạch. Tuy nhiên chi phí vì thế mà kéo theo rất nhiều thứ đắt đỏ. Nước sạch hằng ngày người dân phải phải đi lên phố mua từng thùng một, chỉ dám dùng để nấu cơm, làm nước uống thôi. Chứ mọi sinh hoạt khác như tắm, giặt, rửa rau cũng vẫn phải tranh thủ nước sông Hồng.

Điện thắp sáng là một nguồn vô cùng xa xỉ đối với người dân xóm chài. Mỗi tháng thuyền nào tiết kiệm cũng mất đến 200, 300 nghìn tiền điện, vì phải dùng điện ngoài chứ không có chế độ điện sinh hoạt như bình thường.

Nhìn những căn thuyền chắp vá tứ tung đủ bề nom ọp ẹp giữa dòng nước sông Hồng, cô trầm ngâm đang lo sợ đến mùa mưa lũ sắp tới đe dọa cả xóm chài này: “Xóm chài này sẽ lại được những tháng ngày khốn cùng cháu ạ. Mưa bão xô đẩy làm các thuyền chòng chành, liêu xiêu, có khi còn tốc hết cả mái, cả vách ra, nước vào thuyền lênh láng ấy. Rồi nước từ khu dân cư chảy xuống ào ào kéo theo rác thải, làm bọn cô điêu đứng lắm”.

Nói đến đấy có một người hàng xóm đi qua cây cầu khỉ bị ngã tòm xuống sông, ướt như chuột cô vội vã chạy ra kéo người đàn bà kia lên. Rồi nhanh thoăn thoắt dẫn người đó vào thuyền.

co-dong-nat-goa-phu-mong-co-may-chuc-nghin-de-lam-cay-cau-khi
Cô Hà chạy lại đỡ người hàng xóm bị ngã xuống sông

Cô chạy lại phía tôi mà tiếp lời rằng thuyền nhà cô không có đường xuống, giờ cũng chỉ ước có được cây cầu khỉ ọp ẹp kia thôi. Cô bảo cô có làm cầu rồi, nhưng nó bị sập, một mình thân gái già cô chưa bắc lại cầu khác được.

“Mà có bắc cầu khỉ thế kia cũng phải kiếm được những cây gỗ tốt, cũng mất mấy chục nghìn. Cô toàn đi nhờ sang nhà thằng Quân, hoặc đi nhờ thuyền nhà bác hàng xóm. Thế mà cũng hơn 1 năm rồi đấy. Cuối năm nay nếu dành được ít tiền là cô cũng làm cái thuyền để cho em nó đêm hôm đi làm về đỡ vất vả”. Cô Hà tâm sự.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại