Chuyện đời người đàn ông 4 lần “bán con” mua gạo

Thạch Cầm Kỳ |

Vừn loạng choạng bước đi, chân nọ đá chân kia, tay múa máy, liêu xiêu. Vừn đi mà đầu cứ loi loi về phía trước. Theo sau, vợ Vừn lưng đeo balô, tay cầm theo một que tre như thể đang cầm roi đuổi Vừn đi, đứa con gái 14 tuổi của họ bám theo chân mẹ cười nắc nẻ, hướng đôi mắt nhìn những người bên đường.

Vấp phải đá, Vừn ngã lăn ra đường, nằm úp mặt xuống đất, tay thoải thẳng về phía trước, Vừn nằm rên rỉ, rồi ngủ.

Vợ Vừn ngồi lên một phiến đá gần đó, dán đôi mắt nhìn Vừn, đứa con gái hết đi rồi lại đứng, hết nói rồi cười, xủng xẳng mấy câu như trách bố, rồi lại ngồi lên một phiến đá đối diện mẹ hướng đôi mắt nhìn Vừn.

Kỳ 1: Túng quẫn, đổi đứa con trai lấy xe đạp và 20kg gạo

Lang bạt khắp nơi

Vừn sinh năm 1969, ở thôn Cáo, xã Quý Hòa, Lạc Sơn, Hòa Bình. Tên đầy đủ của gã là Bùi Văn Vừn.

Tôi tìm Vừn, nói chính xác là phải tìm bằng được Vừn - gã đàn ông vì đói mà nhiều lần bán đi những đứa con của mình để lấy tiền mua gạo, mua rượu… Và tôi đã gặp.

Gặp được Vừn khó lắm, phải đánh xe vượt cả trăm cây số lên xuống nhiều lần, phải nhờ người thân của Vừn, rồi hàng xóm của gã khi nào thấy gã về nhà thì gọi xuống Hà Nội luôn cho tôi.

Thế nhưng, có hôm nhận được điện thoại, tôi tức tốc phóng xe lên, lên đến nơi thì Vừn đã đi khỏi địa phương rồi.

Vừn đi đâu không ai biết, cũng không mấy ai quan tâm cho lắm, kể cả người thân của Vừn, nghe họ kể (kể lại theo lời Vừn) tôi cũng phóng xe đi tìm, thành phố Hòa Bình, bến xe Yên Nghĩa (Hà Nội), rồi Nam Định, Ninh Bình… cũng không gặp được, đến đâu cũng nhận được cái lắc đầu:

Trước có thấy nhưng giờ không biết đang ở đâu.

3h chiều, tôi gặp Vừn ngay tại thôn Cáo, trong tình trạng say mèm.

Để tận mắt thấy Vừn, nói chuyện với Vừn không còn cách nào khác là làm theo hướng dẫn từ những người thân của gã:

“Đến các quán rượu mà tìm, không ở quán thôn này thì cũng đang lang thang đâu đó ở các quán thôn bên cạnh”.

Đúng như vậy, Vừn đang dẫn vợ và cô con gái 14 tuổi lang thang khắp các quán rượu, quán tạp hóa ở thôn Cáo - cái thôn bé nhỏ nằm dưới chân dãy núi Mụ cao sừng sững đang mùa lúa chín.

Màu lúa chín vàng rực trải khắp các dãy ruộng bậc thang đẹp đến nao lòng.

Cái yên tĩnh, thơ mộng của thôn Cáo mấy ngày nay trở nên rôm rả lạ thường từ ngày gia đình Vừn về thăm quê.

Say, Vừn ngủ luôn tại bất kỳ nơi nào gã ngã xuống nhưng tỉnh rượu gã làm đủ trò để mọi người cười.

Gã hát, gã múa, gã diễn cả xiếc để xin tiền nuôi con, nuôi vợ, người dân thôn Cáo thấy vậy cũng xúm xụm vào xem, rồi cười ngặt nghẽo, rồi rơi cả nước mắt…

Vừn là con thứ hai trong một gia đình có 5 anh em (2 trai, 3 gái). Từ nhỏ, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Vừn không được học hành gì.

Thời niên thiếu, Vừn nổi tiếng là nghịch ngợm, ngang tàng. Theo lời anh trai Vừn - ông Bùi Văn Kiển - khoảng năm lên 18, 19 tuổi, Vừn bỏ quê đi làm ăn xa, Vừn đi biền biệt hết năm này sang năm khác, gia đình đi tìm nhưng mãi cũng không thấy.

Trong suy nghĩ của họ, Vừn đã chết. Kể về người em trai, ông Kiển lắp bắp: “Nó… nó… khổ lắm”.

Cái khổ của Vừn như một tấn bi kịch. Năm 1996, trở về quê hương sau gần chục năm đi biền biệt, từ một chàng trai người Mường to cao, khỏe mạnh, Vừn quay lại trong bộ dạng râu tóc tua tủa, luộm thuộm, quần áo rách rưới, da đen nhẻm, mắt sâu hoắm...

Thấy Vừn về, ai nấy đều vừa vui, vừa sợ. Họ lao đến ôm Vừn, cấu véo Vừn, hỏi Vừn đủ điều về kí ức, về tuổi thơ xem có chính xác đó là Vừn không. Còn Vừn thì ngắn gọn đến kinh ngạc:

Nhớ, không nhớ, biết, không biết… Về theo Vừn còn có thêm một người đàn bà và một cậu con trai.

“Hôm về, nó vỗ ngực khoe bảo đây là vợ tôi, đây là con trai của tôi”, ông Kiển nhớ lại.

Vừn có vợ, lại có cả con nên người thân trong gia đình ai nấy đều vui mừng. Vừn bảo bố mẹ làm cơm để ra mắt họ hàng, làng xóm.

Sau bữa cơm, chưa ai kịp hỏi tên, hỏi họ thì Vừn đã vội vàng ra đi. Vừn bảo, vợ Vừn ở huyện Cao Phong, về thăm gia đình, ra mắt vợ con xong, Vừn phải đưa vợ con về quê ngoại để ở rể.

Ông Bùi Văn Kiển trò chuyện cùng phóng viên. 

Đổi con để lấy cái xe đạp

Vừn lại đi, đi biệt tăm. Không ai biết Vừn ở chỗ nào ở huyện Cao Phong hay Vừn làm nghề gì. Khoảng giữa năm 1998, người dân thôn Cáo thấy Vừn ôm đứa con trai trở về.

Hỏi, Vừn bảo, bỏ rồi, được hai đứa, chia nhau mỗi người một đứa.

Trở lại quê hương, không có công ăn việc làm, mà cũng không biết làm công việc gì nên Vừn gửi con cho mẹ, cho vợ chồng anh trai để lang thang.

Đi được dăm bữa nữa tháng, Vừn quay về, trong tay không một nghìn nào. Cái tính giang hồ, lang bạt nay đây mai đó đã biến Vừn thành một gã nghiện rượu, nghiện thuốc lào.

Về quê, cứ ở đâu có quán là Vừn mò đến, quán nào có hội hè là có mặt Vừn.

Vừn chìm trong cơn say liên miên, trong nhà không cơm, không gạo, sống bám víu vào gia đình người anh trai.

Rượu vào, túng quẫn, đói nghèo, chuyện động trời xảy ra. Sáng sớm, thấy Vừn bế con trai ra khỏi nhà, ai cũng nghĩ Vừn bế con đi nơi khác kiếm sống, đến trưa họ tròn mắt thấy Vừn đi một chiếc xe đạp Thống Nhất về, đèo theo sau một bì gạo gần 20kg.

Hỏi, Vừn ngắn gọi: Bán rồi, bán rồi. Bán cho ai? Ông H thương binh ở gần đây, lấy cái xe với gạo. Sao lại bán đi?

Nghèo quá, không có tiền tiêu, không nuôi được, lấy cái xe về để đi làm ăn.

“Nghe chú ấy nói bán rồi mà ruột gan tôi đau như cắt, tôi vội chạy đi chuộc lại thằng bé thì chú ấy ngăn cản, dọa sẽ đánh chết nếu chuộc lại.

Mới đó mà đã hơn hai chục năm, thằng bé bây giờ lớn lắm rồi, nó sinh năm 1994, ít hơn thằng con trai đầu nhà tôi một tuổi”, ông Kiển kể.

Ăn hết gạo, Vừn lại ra đi, Vừn lang bạt khắp nơi, tối đâu là nhà, ngã đâu là giường. Hết tiền ăn, Vừn bán luôn cái xe đạp rồi đi bộ.

Trên đường đi, Vừn xin làm đủ thứ nghề, từ bốc vác, phụ hồ, đến đẩy xe bò thuê, đi đốt than...

“Đi nhiều, quen được nhiều người lắm, học được nhiều cái hay lắm chứ”, Vừn cố kể cho tôi nghe bằng thứ tiếng Kinh lờ lợ.

Chiều hôm gặp Vừn, tôi “kéo” Vừn và vợ con gã vào một quán tạp hóa bên cạnh. Mời Vườn uống nước, Vừn không uống.

Bảo Vừn và vợ con ăn tạm bát mì tôm, Vừn không ăn. Gã ngắn gọn: “Hết tiền rồi”. Tôi vội móc túi ra đưa cho Vừn ít tiền.

Vừn xua tay, gã quát vợ: “Lấy đồ ra đây”. Vợ Vừn kéo khóa balô mang ra một cái bát sứ, một con dao Thái màu đen dài khoảng 30cm, một cái tuốctơvít dài khoảng 30cm, một que tre vót tròn trịa dài chừng 50cm… khiến tôi thất kinh.

Rồi Vừn lớn tiếng: “Mời bà con xem đây. Xiếc người Mường của nghệ sĩ Bùi Văn Vừn, xem xong ai có tiền cho tiền, ai có gạo cho gạo…”.

Vừn vớ lấy que tre, bỏ cái bát sứ lên đầu que tre rồi bỏ lên lòng bàn tay giữ thăng bằng, xong Vừn mới chịu lấy tiền. Vừn gọi đó là xiếc, biểu diễn xiếc.

…Trời chợt tối sầm lại, trên đỉnh núi Mụ mây kéo vần vũ rồi đổ cơn giông.

Cơn mưa đánh tan cái nắng chói chang. Ngồi bên quán nước nghe Vừn kể về cuộc đời, kể về cái kiếp lang bạt của gã, kể về những đứa con gã đã bán đi…, những người dân xóm Cáo lâu lâu lại kéo áo lau nước mắt, thở dài.

Dưới ánh điện lờ mờ trong quán nước, họ chụm đầu lại, chăm chú nghe Vừn kể…

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại