Cũng không biết từ bao giờ, đã thành lệ cứ sau mỗi vụ mùa là người dân làng Phú Đa, xã Công Lý (Lý Nhân - Hà Nam) lại rủ nhau đi bắt chuột, đông như hội. Người dân nơi đây coi việc bắt chuột bán là một nghề cho thu nhập.
Theo chân thợ săn “nhím đồng”
Coi là món ăn khoái khẩu, dân nhậu quanh vùng còn đặt cho món chuột đồng với cái tên đầy kiêu sa là “nhím đồng”. Ở làng Phú Đa sau thu lúa vụ chiêm hầu như ai cũng bắt chuột, nhưng người được người dân coi là “vua chuột” với tài săn “nhím đồng” là anh Tạ Văn Vịnh. Có dịp đến thăm nhà anh Vịnh đúng lúc hai bố con anh trở về trên chiếc xe honda với cái lồng chuột nhung nhúc. Đó là kết quả của gần một ngày hì hục đào xới ngoài các bờ ruộng.
“Dạo này cuối vụ nên được ít, lại phải sang mãi Bình Lục chứ như đầu vụ thì một ngày vứt đi cũng có 2 chục cân. Dân Hà Nội, Hưng Yên… có khi sang tận đây mua chuột, khen ngon. Có người “đại ngôn”, nói món thịt chuột là “nhím đồng” - anh Vịnh vừa bắt chuột cho vào lồng vừa nói.
Ở làng Phúc Đa, ai cũng biết ông Đỗ Văn Phúc. 50 tuổi đời, gần bốn chục năm tuổi nghề. Gia đình ông được xem là gia đình có truyền thống bắt chuột lâu và là nhà có nhiều “thợ săn” chuột nhất. Riêng nhà ông Phúc đã mấy đời nay bắt chuột, từ bố ông rồi con, cháu ông là anh Vịnh đều là những “khắc tinh” của lũ chuột.
Phải sau hồi “thương lượng” chúng tôi cũng được ông Phúc cho đi theo săn chuột. Những cánh đồng lúa vàng óng ngày nào giờ chỉ còn trơ gốc mạ. Ông Phúc bảo: “Gặt rồi lúa rơi vãi chuột mùa này no đẫy, nếu bắt được mổ ra chế biến ăn thì béo ngậy lắm”.
Đến bờ ruộng sau khi quan sát, ông Phúc bỗng ồ lên: “Đây rồi xem mày chạy đâu”. Quan sát cách bắt chuột của ông Phúc thì xem ra cũng cần có khoa học, phải nghiên cứu, đọc sách vở chứ chẳng phải chơi, có khi còn dùng cả “binh pháp” nữa chứ.
“Binh pháp” ở đây chính là vũ khí săn chuột của ông Phúc và hầu hết những “thợ săn” làng Phú Đa thật đơn giản: một chiếc thuổng, 2 đến 4 chiếc giọ tre, chiếc đèn pin nếu đi đêm, một lồng nhỏ đựng chuột.
“Vũ khí thô sơ” nên đòi hỏi phải có mẹo mới bắt được loài “nhím đồng” này. Đầu tiên thợ săn chuột phải nhận biết hang chuột, rồi tìm lần được hai cửa của chúng. Bằng kinh nghiệm của mình, ông Phúc cho biết, hang loài gặm nhấm này lúc nào cũng có hai cửa, cửa chính dễ tìm nhưng cửa thoát hiểm của chúng không phải ai cũng biết. Vì vậy để “phá khóa” kế “chuồn” của những chú “nhím đồng”, người bắt phải tìm ra cả hai cửa hang.
“Tìm được hang đã khó, nhưng trước khi đào hang phải tìm cho kỹ được ít nhất là hai cửa hang. Vì hang chuột nào cũng có ít nhất 2 cửa, một cửa ra, một cửa vào. Rồi mình phải chọn cửa hang sau lỗ khoét để đặt vừa khít ống giọ, cửa kia đào để đổ nước cho chuột chạy ra cửa, nơi đã đặt sẵn giọ, thế là nhấc lên” – ông Phúc kể.
“Nói thì thế nhưng không dễ để bắt được chuột đâu nhé” - ông Phúc tiếp lời. Quả thật không sai cả buổi đi cùng ông Phúc chuyến này xem ra “đen”, hầu hết các hang đã có người đào trước. Nên lúc này muốn đi săn được phải chịu khó đi xa.
“Một năm chỉ có hơn 2 tháng từ tháng 10 đến tháng 12 thôi, lúc ấy vừa thu mùa, lúa gạo nhiều, chuột béo, lại không còn lúa, ruộng khô dễ bắt” - ông Phúc giải thích.
Làng Phú Đa có cách săn chuột không giống nhiều làng khác. Ví như Thạch Thất – Hà Nội thì săn chuột có khi dùng cả chó, nhưng ở đây tất cả bằng kinh nghiệm. “Không dùng chó được vì còn hoa mầu người ta nữa chứ, mình săn và bắt cả ổ vài chục con chứ”- anh Tiến cho biết.
Xây nhà, tậu xe và… có Tết nhờ chuột...
Không phải tự nhiên mà rất nhiều nhà hàng đặc sản hiện nay có thêm thực đơn: chuột hấp, chuột xào xả ớt, chuột quay… Cái câu “nhất gà mái nhì chuột đồng” là ở chỗ đó. Chế biến chuột cũng được không ít món. “Không phải là cày tơ nhưng nó cũng làm được 7 món chứ chẳng chơi” – bà Nguyễn Thị Thêm (vợ ông Phúc) vừa làm thịt chuột vừa nói.
Ở “làng bắt chuột”, mỗi năm, cứ vào mùa “săn” là không ít trai làng Phú Đa ngủ bên chén rượu với đĩa thịt chuột. “Uống rượu mà thiếu thịt chuột thì như ăn canh thiếu muối” - anh Vịnh khẳng định.
Với thao tác nhanh gọn thể hiện tính chuyên nghiệp cao, bà Thêm hỉ hả: “Làm thịt chuột như làm thịt chó, chỉ khác khi làm lông chuột, tuyệt đối không được để chuột chết, phải nhúng vào nước sôi khi chuột còn sống, vì chuột chết sẽ bết lông không nhổ được. Nước làm chuột phải từ 40-50 độ C, làm lông rồi thui, sau đó mổ, bỏ đầu, bỏ đuôi và chân, chỉ lấy nguyên phần thân để chế biến” - bà Thêm nói tiếp.
Theo lời của anh bạn tôi, mặc dù hầu như người trong làng đều biết bắt chuột nhưng chỉ có trên dưới chục gia đình là bắt chuột đem bán. Cái “guồng máy” này chạy khá trơn tru, bất cứ ai có nhu cầu, vào bất cứ thời gian nào trong ngày, chỉ cần bấm điện thoại a-lô một tiếng sau là món “nhím đồng” sẽ được đáp ứng ngay.
Tuy nhiên, cũng có lúc nhu cầu của khách hàng tăng đột biến. Đặc biệt là vào dịp cưới hỏi, liên hoan tổng kết cuối năm của cánh công chức, học sinh, sinh viên…
“Những lúc “cháy” hàng, chúng tôi phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi, tất nhiên là chỉ vay của nhà con, cháu thôi. Còn người ngoài thì mua bán sòng phẳng luôn dù không có lãi cũng giữ được chân khách, để người ta còn đến với mình. Lúc cao điểm, chỉ loáng một cái đã có vài tạ chuột “vào nồi, ngồi đĩa” - món khoái khẩu của cánh nhậu đấy” - bà Thêm nói trong niềm vui.
Mùa săn chuột lại là mùa giáp hạt cuối năm, thời điểm sắp tết nên trăm nỗi lo tiền tiêu Tết. Nhưng người dân của làng Phú Đa lại không phải lo lắng điều đó vì đã có “chuột lo”. Trung bình mỗi năm, có gia đình săn được cả tấn chuột. Với giá thành tới 45-80 nghìn đồng/kg thịt chuột (tùy thời điểm), họ đã có một nguồn thu không nhỏ.
Anh Vịnh cho biết, từ đầu mùa săn chuột đến nay anh và cậu con trai đã bắt ngót nghét trên 4 tạ chuột, mà so với giờ này năm ngoái là còn ít, với giá trung bình 50 nghìn đồng/kg, làm phép tính đơn giản anh đã có trong tay hơn 20 triệu đồng. Số tiền đó dư để anh lo vài cái Tết ở quê.
Còn theo lời kể anh bạn tôi thì trước đây đã có anh, sau 2 mùa săn chuột đã có tiền “tậu xe, cưới vợ” – hai trong ba việc lớn của cuộc đời người đàn ông. “Người ta ghét bọn gặm nhấm này nhưng chúng tôi thì không những không ghét mà còn “biết ơn” chúng. Làm giàu thì không thể vì bắt chuột có mùa, nhưng để kiếm chút tiền tiêu ngày Tết cũng may đã có bọnchuột lo cho rồi” – bác Phúc nói chắc nịch.
Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho nhiều gia đình, việc săn bắt chuột làm hạn chế phần nào tác hại của loài gặm nhấm này đến sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân Phú Đa và nhiều vùng lân cận. Kể cũng không sai, chuột vừa là kẻ thù, vừa là bạn, là món ăn, là tiền với người dân làng Phú Đa trng những năm gần đây.