Đừng độc ác đến mức cho chất độc vào thực phẩm
Đã có luật về an toàn thực phẩm, công việc của bà chắc đỡ vất vả hơn?
Luật ra rồi, nhưng không phải ai cũng biết. Công việc của chúng tôi còn bận hơn vì phải truyền thông nhiều nữa, để phổ biến kiến thức. Không phải ai cầm quyển luật như thế này cũng đọc được đâu. Vì vậy, mình phải lọc ra những điều thiết yếu nhất về quyền lợi và trách nhiệm để mọi người dễ đọc, dễ nhớ, dễ hiểu.
Tôi cứ nghĩ có luật rồi thì cứ thế mà làm, ai vi phạm thì phạt?
Nhiều cái phạt nhẹ quá không đủ sức răn đe. Ví dụ, trong Nghị định về xử phạt, có những điều như sử dụng chất phụ gia không có trong danh mục mà cũng chỉ bị phạt 7 - 10 triệu đồng thì còn quá nhẹ. Cho nên phải tuyên truyền cho doanh nghiệp để họ có kiến thức về an toàn thực phẩm và có lương tâm để đừng vì lợi nhuận mà bỏ những chất độc hại vào thực phẩm.
PGS.TS Phan Thị Sửu, giám đốc Trung tâm Kỹ thuật An toàn vệ sinh thực phẩm.
Vậy là vẫn phải trông đợi vào lương tâm của nhà sản xuất?
Đó vẫn là hướng chính. Phải tuyên truyền để người sản xuất không nên quá vì lợi nhuận mà quên lợi ích của người tiêu dùng. Có ý kiến cho rằng cần phải giáo dục về cả tâm linh nữa. Tức là phải nghĩ đến luật nhân quả, đừng có độc ác đến mức cho cả những chất độc hại vào thực phẩm.
Ai đời, thịt lợn ôi dùng hóa chất tẩy mùi đi để bán cho người tiêu dùng. Ai đời, trồng luống rau riêng để ăn, còn tưới các hoá chất vào những luống rau khác để bán. Như vậy là không có lương tâm và quá ác độc. Vì thiếu kiến thức và chạy theo lợi nhuận mà người sản xuất thì dùng hoá chất tuỳ tiện, còn người tiêu dùng thì vô tư sử dụng. Chúng ta đang tự đầu độc cả giống nòi của chính mình.
Nhưng với nhà sản xuất, kinh doanh thì lợi nhuận là trên hết?
Điều đó đúng. Nhưng xây dựng uy tín cũng là vì lợi ích lâu dài của chính doanh nghiệp. Những doanh nghiệp làm ăn chân chính luôn phải nghĩ đến sức khoẻ của người tiêu dùng bởi đó cũng là bảo vệ chính quyền lợi, uy tín, thương hiệu của chính họ.
Xử phạt nhiều nhưng không ăn thua
Đối với thực phẩm bao gói, nên lựa chọn theo một số tiêu chí: Phải có nhãn mác đầy đủ một số thông tin như địa chỉ nhà sản xuất, hạn sử dụng... và quan trọng nhất là thành phần có những chất gì. Nếu thấy nhiều tên hoá chất khó hiểu là biết loại đó được dùng quá nhiều chất phụ gia thì không nên chọn. Cũng không nên mua các sản phẩm bánh kẹo, nước uống có màu sắc quá đậm, lòe loẹt đặc biệt là cho trẻ em.
Làm công việc này nhiều, chắc bà không dám mua hàng ở các chợ cóc?
Tôi vẫn mua ở chợ cóc, nhưng phải chọn. Ví dụ, thịt lợn thì mua hàng có lẫn mỡ, thịt phải chắc, dẻo, đỏ, nếu thấy thớ to, nhiều nước, siêu nạc thì không mua. Rau cũng chỉ mua những loại có màu sắc tự nhiên, cứng cáp. Không mua loại quá mượt mà, xanh bóng, là những loại được phun thuốc bảo vệ thực vật dạng nhũ dầu chưa đủ thời gian cách ly. Tôi không bao giờ mua các sản phẩm thực phẩm bao gói không có nhãn mác rõ ràng, không có địa chỉ.
Vậy mà họ vẫn bán được những sản phẩm này chứng tỏ vẫn có người mua?
Người mua trở thành người bị hại là tâm lý tham rẻ. Người tiêu dùng chưa biết bảo vệ mình. Đừng chờ lá chắn nào mà phải học tập kiến thức để trở thành người tiêu dùng thông thái, biết lựa chọn thực phẩm an toàn. Ví dụ, mua nước mắm, nên chọn loại trong thành phần chỉ có cá và muối, vì đó là nước mắm truyền thống. Còn nếu thêm nhiều chất bảo quản, hương liệu, màu, chất điều vị, đấy là nước mắm pha công nghiệp. Nếu có kiến thức, người tiêu dùng sẽ biết lựa chọn sản phẩm nào là tốt và khiến doanh nghiệp phải sản xuất ra các loại thực phẩm an toàn hơn, chất lượng hơn.
Như thế là trách nhiệm lại đổ lên đầu người tiêu dùng rồi, vậy vai trò của nhà quản lý đâu, thưa bà?
Nhà quản lý luôn muốn làm tốt chức năng của mình. Doanh nghiệp thì chạy theo lợi nhuận. Người tiêu dùng thì kiến thức về an toàn thực phẩm còn hạn chế. Muốn giải quyết tốt thì trách nhiệm phải ở cả 3 bên. Không chỉ riêng người tiêu dùng hay nhà quản lý phải thực hiện. Người tiêu dùng sẽ trực tiếp chịu hậu quả khi sử dụng thực phẩm không an toàn. Vì thế, tôi muốn nhấn mạnh rằng người tiêu dùng cũng cần có kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm để bảo vệ chính sức khỏe của bản thân và gia đình mình.
Phải công nhận là người tiêu dùng nước ta liều thật. Ví dụ như món tiết canh, đã bao nhiêu người bị bệnh phải đi cấp cứu như thế mà họ vẫn ăn.
Thực ra nếu làm bảo đảm, con lợn khoẻ mạnh, giết mổ đảm bảo vệ sinh thì ăn cũng không việc gì. Như các nước họ vẫn ăn gỏi cá nhiều lắm, nhưng đó là do môi trường nuôi cá bảo đảm vệ sinh. Còn ở mình điều kiện vệ sinh như thế này, môi trường nuôi trồng, giết mổ như thế, khi bán lại bày bẩn như thế này thì tốt nhất là không nên ăn.
Đấy là do trước đây ta chưa có luật nên họ mới làm bừa bãi thế?
Chưa có luật nhưng cũng có các quy định, nhưng người ta vẫn làm thế. Có nước nào mà lại thấy hình ảnh con lợn sau khi mổ, xẻ đôi ra rồi chở bằng xe máy chạy khắp nơi, trông vừa mất mỹ quan vừa mất vệ sinh. Ở các nước, người ta phải bỏ vào thùng lạnh rồi mới chở đi. Mình cũng xử phạt nhiều nhưng không ăn thua, do ý thức của người dân chưa cao.
Bà nghĩ thế nào về việc dù có tuyên truyền thế nào cũng không thể bằng việc quảng cáo?
Người tiêu dùng hay chọn sản phẩm theo quảng cáo, nhất là trên ti vi, ngày nào cũng xem. Nhiều người bức xúc chuyện quảng cáo lắm. Vì có những quảng cáo thổi phồng, nói quá lên giá trị của sản phẩm, người tiêu dùng có cảm giác như đã bị lừa. Hiện cũng đã có quy định về quảng cáo, nếu quảng cáo sai sự thật sẽ bị phạt nhiều lắm. Nhưng họ cũng có nhiều cách để lách luật. Nhà nước cần phải thắt chặt hơn nữa việc quảng cáo các sản phẩm thực phẩm quá mức làm người tiêu dùng hiểu lầm.
Vâng. Xin cảm ơn những chia sẻ của bà và chúc bà sức khoẻ.
Theo Bee.net