Thời buổi bây giờ kể những người có kiến thức uyên thâm, có tiền tài và địa vị cũng không dám mạnh mồm nhận mình là kẻ khôn ngoan. Bởi giờ bước chân ra đường "không khéo lại chả bị lừa như chơi".
Đặc biệt, trong xã hội xuất hiện ngày càng nhiều những kẻ biết uốn nắm dư luận, giỏi thêu dệt những bức tranh sáng tối khác nhau đánh lừa thị giác, đánh lừa lòng tin của người đời.
Xã hội là một đại kịch bản
Sáng nay khi vừa thức dậy, người ta đã thấy dư luận xôn xao vì một video được cho là tiết lộ kịch bản dàn dựng trước của một game show tìm kiếm tài năng âm nhạc đang gây được nhiều tiếng vang.
Xem xong video dù chưa được xác minh rõ nguồn gốc nhưng nhiều người đã “ố, á” và phần nào hiểu ra tại sao một anh chàng đến từ vùng đất Tây Nguyên bấy lâu nay quen hát nhạc Việt lại phải hát tiếng Anh trong một vòng thi có tính chất cân đo, đối sánh; những cô hát hay mà mặt không xinh vẫn cứ bị loại như thường. Thì ra bấy lâu nay, dân tình đều bị che mắt cả.
Việc uốn nắn dư luận, che mắt người dân không phải bây giờ mới nói. Người hâm mộ bóng đá Việt Nam thi thoảng lại được phen hụt hẫng khi hay tin cậu bé vàng này chân sút cừ khôi kia bán độ. Phạm vi bán độ chẳng phải giữa các đội trong nước mà còn trải dài ra các nước trong khu vực. Vậy là chỉ vì một chút lợi ích nào đó người ta sẵn sàng gạt bỏ lòng tự hào dân tộc sang một bên để diễn trò trước hàng ngàn người hâm mộ.
Bên trong những chiếc cột mốc kiên gan này rất có thể là lõi tre.
Chẳng phải nghệ sĩ, cầu thủ mới biết “làm xiếc”, các cán bộ, kĩ sư bấy lâu nay cứ ngỡ là trung thực thẳng thắn cũng rất linh động trong công việc để ví của mình được dày lên. Ấy là câu chuyện về những chiếc cột cây số lõi tre. Người dân cứ ngỡ những chiếc cột mốc kia được dựng lên bằng lõi thép với xi măng. Thế nhưng chỉ sau vài cú va chạm nhẹ, người ta mới chưng hửng nhận ra số cột mốc èo uột ấy được làm từ cát, sỏi và tre ngâm...
Và cũng phải thừa nhận rằng, ai trong xã hội này cũng có khả năng đánh lạc hướng, bịt mắt kẻ khác. Bằng chứng là ngày nào người ta cũng ăn hoa quả Trung Quốc tẩm hóa chất với một niềm tin tưởng mãnh liệt rằng đồ mình ăn được nhập khẩu từ những đất nước xa xôi, giàu có. Quả thật những tiểu thương rất tài tình khi ru ngủ người mua hàng bằng những tem mác chứng nhận Táo Mỹ, xoài Thái…
Cuộc khủng hoảng niềm tin sau ngày cột mốc đổ và kịch bản bị lộ
Những chiếc cột bê tông lõi tre ắt hẳn không thể “kiên gan” cùng nắng mưa. Những game show với kịch bản được dàn dựng trước sẽ khiến khán giả vô cùng thất vọng một khi sự thật được trưng ra ánh sáng.
Nhiều cá nhân, tổ chức trong xã hội đã lợi dụng lòng tin vô tư, không điều kiện của người dân để thực hiện những mục đích của mình. Nhiều kịch bản nhỏ đã biến cả xã hội thành một đại kịch bản. Và khi những bí mật không mấy tốt đẹp không thể bưng bít được nữa cũng là khi niềm tin nơi công chúng bị sụp đổ.
Một bạn đọc đã chia sẻ trên Facebook sau khi xem xong video ầm ĩ sáng nay rằng: "Không biết mình và mọi người sẽ còn là nạn nhân của sự giả dối nào nữa trong cái xã hội này??? Thất vọng quá! Đúng là thảm hoạ cho nền âm nhạc VN!"
Vâng, đã đến lúc chúng ta phải thừa nhận bí mật của game show kia là thảm họa của nền âm nhạc Việt Nam và những quả táo Mỹ đỏ mọng, những cột mốc gãy nằm chỏng trơ bên lề đường là thảm họa của cả xã hội…
Chỉ bấy nhiêu thôi cũng khiến con người ta hoài nghi nhiều hơn. Bởi khi sống trong cảnh tranh tối tranh sáng ai cũng phải tự sản sinh ra kháng thể để không biến bản thân thành kẻ ngốc, để không bị người đời che mắt.
Lòng tin giữa người với người đang dần bị thay thế bởi những dấu hỏi tre lơ lửng sau khi cột cây số đổ, sau khi có người ngộ độc vì được ăn "Táo Mỹ", sau khi được mắt thấy, tai nghe những lời lẽ bóc mẽ nhau từ những "người của công chúng"...