Jie Chen, giáo sư về khoa học chính trị và quan hệ quốc tế tại trường đại học Tây Australia bình luận về vấn đề này.
Kim Jong-il, "lãnh tụ kính yêu" của Triều Tiên đã qua đời vì đau tim hôm
17/12, thọ 69 tuổi.
Nếu ban đầu, ai đó cho rằng nó chỉ là tin đồn thì cũng có thể hiểu được vì nhà lãnh đạo lâu năm này luôn trông rất mạnh khỏe trong các bức ảnh được Bình Nhưỡng tung ra dù ông bị đột quỵ nhẹ. Tuy nhiên, cho tới khi xem bản tin do phát thanh viên đài truyền hình Triều Tiên vừa khóc vừa thông báo thì thông tin mới được xác nhận hoàn toàn.
Lo ngại của khu vực
Tại sao khu vực Đông Á và những quốc gia hùng mạnh như Mỹ, Trung Quốc lại coi cái chết của ông Kim Jong-il là vấn đề quan trọng?
Triều Tiên đã từ lâu là một quốc gia nghèo trong khu vực Đông Á thịnh vượng, là di tích chính trị từ thời Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, ông Kim đã trở thành một nhân vật nổi bật trong lĩnh vực ngoại giao quốc tế nhờ những vũ khí hạt nhân mà Bình Nhưỡng đã phát triển kể từ giữa những năm 1990 cũng như vai trò của nhà lãnh đạo này với tư cách là một bậc thầy trong việc dùng hạt nhân cho chính sách bên miệng hố chiến tranh. Không hề màu mè, ông Kim đã chứng tỏ mình có khả năng điều khiển các quốc gia mạnh hơn.
Từ trước tới nay, cộng đồng quốc tế luôn lo sợ Triều Tiên phổ biến những kiến thức lẫn vật liệu hạt nhân cho các quốc gia hiếu chiến và bọn khủng bố cũng như sợ nước này sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân.
Mặt khác, Bình Nhưỡng có thể chọn trò chơi hạt nhân như một cuộc chơi tuyệt vọng song được tính toán kỹ để duy trì sự sống còn của chế độ. Sự chọn lựa này có thể được thực hiện sau khi cân nhắc những điểm yếu về chính trị, ngoại giao và kinh tế, an ninh và sau khi chứng kiến sự thay đổi chế độ ở Iraq, Afghanistan.
Bị Mỹ coi là một trong các thành viên của "trục tội ác" và "tiền đồn của chuyên chế" chỉ khiến Triều Tiên càng củng cố quyết tâm bám vào bom và tên lửa. Trong khi đó, các nước láng giềng lo sợ những hậu quả của một cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên cũng như chính quyền ở Bình Nhưỡng sụp đổ. Kết quả là, các cuộc hội đàm 6 bên (nỗ lực nghiêm túc duy nhất của quốc tế để giải quyết khủng hoảng hạt nhân) không đạt được bất cứ tiến bộ đáng kể nào.
Khủng hoảng an ninh?
Triều Tiên đặt ra mối lo an ninh sát sườn nhất trong thời hậu chiến tranh lạnh ở châu Á và những dấu hiệu với an ninh khu vực tiếp tục là lăng kính chính mà qua đó chúng ta thảo luận về Triều Tiên mà không có "lãnh tụ kính yêu".
Tuy nhiên, rất khó để dự đoán những dấu hiệu như vậy. Có vô số những sai lầm đã mắc phải khi dự đoán về Liên Xô và Trung Quốc trước đó, nên bất kỳ ai khi muốn dự đoán về tương lai Triều Tiên thì phải cẩn trọng gấp đôi vì Triều Tiên không chỉ là một xã hội vô cùng khép kín mà còn là một nước được các thành viên của một gia đình nắm vai trò lãnh đạo.
Thế hệ thứ 3 - Kim Jong-un trở thành lãnh đạo mới của Triều Tiên, đúng như cách mà ông Kim Jong-il được thừa hưởng quyền lực khi ông Kim Nhật Thành qua đời năm 1994. Việc chế độ sụp đổ theo kiểu Mùa xuân Ả rập dường như khó có thể xảy ra do chúng ta chưa thấy có dấu hiệu này về sự chống đối có tổ chức tại đất nước này. Bất ổn chính trị cũng không được loại trừ song Triều Tiên sẽ vẫn an toàn do các nước láng giềng là Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ cố gắng hết sức để ngăn chặn điều đó.
Chính quyền ở Triều Tiên sẽ tiếp tục chịu sức ép của cộng đồng quốc tế và khu vực, đặc biệt là ảnh hưởng của Trung Quốc.
Vai trò của Trung Quốc
Trung Quốc tiếp tục cam kết vì một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân. Ngoài ra, Bắc Kinh hy vọng sẽ chứng kiến một Triều Tiên đã cải tổ và được phương Tây công nhận song vẫn chịu ảnh hưởng của Trung Quốc. Để đạt được điều này, chính sách bên miệng hố hạt nhân hoặc hoặc đe dọa bằng quân sự của Triều Tiên sẽ không được khuyến khích. Trong bối cảnh này, chính sách ánh dương của Hàn sẽ có thể phát huy.
Theo Hoài Linh
Vietnamnet