Lúc 5 giờ chiều ngày 8/11, thuyền phó 1 tàu Anh Sơn - ông Trần Đình Dục (quê Bình Định) thông tin: "Rạng sáng cùng ngày, hơn 30 người Bangladesh đã tấn công bốn thuyền viên Việt Nam trên tàu Anh Sơn đang neo đậu tại cảng Chitagong (Bangladesh) cướp tài sản trong lúc bốn thuyền viên đang ngủ trên tàu".
Họ mang theo nhiều hung khí đập phá cửa, xông vào lấy hết các trang thiết bị trên tàu, trong đó có 30 bình khí CO2 loại lớn và nhiều máy móc khác.
Khi thấy các thuyền viên, nhóm cướp xịt hơi cay, dùng hung khí tấn công. Các thuyền viên chạy trốn vào một căn phòng rồi khóa chặt cửa. Vụ tấn công làm hai thuyền viên bị thương.
Một tên cướp người Bangladesh đang leo lên tàu Anh Sơn tấn công các thuyền viên rạng sáng 8/11. Ảnh do các thuyền viên cung cấp
Thợ máy Nguyễn Văn Huy (quê Thái Bình) cho biết thêm, chiều 7/11, trong khi các thuyền viên đang nấu ăn trên tàu, một nhóm người khác đã đột nhập lên tàu tấn công các thuyền viên, xông vào các căn phòng lục lấy tài sản, đồ đạc.
Khi các thuyền viên bỏ chạy, nhóm người này đã bỏ thuốc vào thức ăn của các thuyền viên. Sau đó, khi ăn vào thuyền viên thấy đắng, không ăn nữa và tay chân đều bủn rủn, gục ngủ tại chỗ.
“Hiện nay tàu Anh Sơn không chạy máy phát điện nên không có bất cứ tín hiệu nào để chúng tôi kêu cứu. Trong khi đó cơ quan chức năng ở đây không kiểm soát được tình trạng cướp xông lên tàu lấy tài sản.
Chúng tôi phải sống trong điều kiện rất nguy hiểm, tính mạng lúc nào cũng bị đe dọa nhưng chưa có cơ quan nào can thiệp, giúp đỡ”, thuyền phó Trần Đình Dục nói qua điện thoại.
Tàu Anh Sơn do Công ty TNHH Thương mại - Vận tải biển Anh Sơn (quận Tân Bình, TP.HCM) khai thác. Tháng 6/2012, trên đường từ Malaysia đi Ấn Độ, tàu gãy bánh lái và được lai dắt sang cảng Chitagong (Bangladesh) sửa chữa. Tại đây, tàu bị sóng, gió làm đứt neo, dạt lên trên một bãi đá, có nguy cơ lật tàu.
Đại lý của Công ty Anh Sơn tại Bangladesh giữ các thuyền viên cùng toàn bộ giấy tờ làm “con tin” để buộc Công ty Anh Sơn thanh toán khoảng 200.000 USD chi phí lai dắt tàu và các khoản khác.
Sau khi có can thiệp của các cơ quan ngoại giao, có 10 thuyền viên được về nước, còn lại bốn người vẫn đang bị quản thúc.
Trước đó, các thuyền viên lén lên bờ, đến Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh nhờ giúp đỡ. Đại sứ quán đã yêu cầu đại lý của Công ty Anh Sơn phải cam kết đảm bảo sinh mạng các thuyền viên.
Ông Phan Thế Vương, Giám đốc Công ty Anh Sơn, cho biết công ty đã nhận được thông tin các thuyền viên tại Bangladesh bị cướptấn công. Công ty đã đề nghị đại lý tại Bangladesh thuê một đội bảo vệ mới để đảm bảo tính mạng các thuyền viên.
Trả lời câu hỏi của phóng viên: “Khi nào Công ty Anh Sơn mới qua Bangladesh trả nợ,giải cứu các thuyền viên?”, ông Vương nói: “Chúng tôi còn vướng các thủ tục giấy tờ xuất cảnh vì khi đi có đại diện nhiều cơ quan như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm…”.