Có con nhỏ, chị Thúy, giáo viên của một trường Tiểu học còn thấy dị ứng với quảng cáo thuốc giúp tăng cường khả năng sinh lý. Chị Thúy chia sẻ, mỗi khi vô tình tivi xuất hiện hình ảnh những đôi nam nữ giận hờn, ôm ấp nhau trên giường, cậu con trai mới 5 tuổi của chị lại hỏi “Cô chú ý làm gì vậy mẹ, sao vừa dỗi nhau đã quay sang cười với nhau thế ạ?”. Lúc đó, chị chẳng biết phải giải thích với con thế nào cho phải.
Theo chị Thúy, tivi hiện nay có rất nhiều khán giả ở độ tuổi nhí, các cháu lại thích xem quảng cáo. Xen giữa chương trình phim truyện, ca nhạc cũng thường xuyên xuất hiện quảng cáo, nội dung đường đột nên người làm bậc cha mẹ như chị, dù muốn tránh cho con cái những hình ảnh như vậy thì cũng rất khó.
Bên cạnh các quảng cáo về thuốc tăng cường sinh lý, một số quảng cáo thuốc chữa các bệnh nhạy cảm khác phát vào giờ ăn cơm cũng gây phản ứng của người xem. Bác Thành 65 tuổi ở Kim Ngưu, Hà Nội cho biết, cứ đến tầm 7 giờ tối, khi cả nhà sum vầy ngồi vào mâm cơm, vừa ăn được vài miếng thì chương trình tivi phát sóng quảng cáo thuốc tiêu chảy, trĩ, phụ khoa... Theo bác, các công ty chọn giới thiệu sản phẩm giờ ăn cơm nhằm có được nhiều người xem, nhưng chính nội dung trái nghịch đó khiến bác thấy thiếu được tôn trọng.
Lãnh đạo một công ty truyền thông lớn tại TP HCM nhận xét, quảng cáo nhằm thu hút nhiều người xem nên các công ty cung cấp thuốc chữa trĩ, tiêu chảy, phụ khoa... thường xuất hiện giờ nhiều gia đình ăn cơm cũng có thể hiểu được. Tuy nhiên, hệ quả của việc chọn thời điểm nhạy cảm so với sản phẩm có thể gây hiệu ứng ngược
Còn về những quảng cáo có hình ảnh gợi cảm của thuốc tăng sinh lực, nếu không muốn con em mình xem được thì người tiêu dùng cần chủ động lựa chọn kênh, giờ và chương trình phát sóng. "Chắc chắn không ai giới thiệu sản phẩm bổ thận giữa lúc chiếu phim hoạt hình bởi thiếu nhi không phải đối tượng tiêu dùng của mặt hàng đó. Nếu chú ý, các bậc phụ huynh vẫn có thể phòng tránh cho con em mình", anh nói.
Dự thảo Luật Quảng cáo đang được Chính phủ trình ra Quốc hội cũng quy định cụ thể các mức phạt đối với hành vi quảng cáo lập lờ, gây phản cảm cho người tiêu dùng. Góp ý cho dự thảo này, nhiều đại biểu cho rằng cần siết chặt hơn đối với các quy định về giờ quảng cáo đối với những mặt hàng nhạy cảm như dịch vụ mai táng, băng vệ sinh, thuốc chống tiêu chảy, táo bón, điều trị trĩ...
Theo VNE