Bộ trưởng Thăng "phản bác" đại biểu Quốc hội về phí lưu hành

camnhung |

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, cơ sở đưa ra mức phí lưu hành là từ kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã chỉ đạo Ủy ban An toàn giao thông có văn bản gửi Thường vụ Quốc hội phản ánh việc một số đại biểu không đồng tình với đề xuất thu phí lưu hành phương tiện.

Tại hội nghị tổng kết ngành giao thông ngày 7/1, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, phí lưu hành phương tiện là một trong những giải pháp đột phá nhằm giảm phương tiện cá nhân, tăng thu cho ngân sách để xây dựng hạ tầng theo đúng nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Tuy nhiên, sau khi đề xuất này được đưa ra, báo chí đã đăng tải ý kiến của một số đại biểu Quốc hội cho rằng cần xem xét lại vấn đề này.

“Các giải pháp này đã được thông qua tại Quốc hội, vậy nhưng khi Bộ đề xuất thì cứ như là vấn đề từ “trên trời rơi xuống”. Các đại biểu cũng cần có trách nhiệm, đây là chủ trương của Đảng, của Quốc hội”, Bộ trưởng Thăng bức xúc. Ông yêu cầu Ủy ban An toàn giao thông quốc gia báo cáo Thường vụ Quốc hội về việc đại biểu Quốc hội không tán đồng với đề án thu phí lưu hành.

Bộ trưởng Thăng trả lời chất vấn tại kỳ họp cuối năm 2011. Ảnh:Hoàng Hà.

“Nếu không có giải pháp đột phá thì không thể cải thiện được tình hình giao thông. Anh có ôtô thì phải đóng góp cho hạ tầng, nhà nước không thể bỏ tiền ra làm hạ tầng giao thông cho người đi ôtô, trong khi có nhiều người khác phải đi bộ”, Bộ trưởng bày tỏ.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, cơ sở đưa ra mức phí lưu hành là từ kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới. Với mức phí là 20 triệu đồng mỗi năm cho xe loại bình thường, xe càng nhiều tiền với dung tích xi lanh lớn thì ảnh hưởng tới môi trường nhiều hơn, tất nhiên phải thu phí cao hơn. Và mức phí cho ôtô cao nhất là 50 triệu là phù hợp với tình hình đời sống hiện nay.

Không đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho rằng trước khi đề xuất loại phí lưu hành phương tiện, Bộ Giao thông Vận tải cần thăm dò ý kiến người dân, nhà chuyên gia, nhà khoa học, những người chịu tác động của quyết định.

"Không lo ngại người dân phản đối nộp phí, quan trọng là lập luận đúng, có cơ sở để người dân đồng tình. Bởi nếu đưa ra người dân không thuận thì dân sẽ trốn tránh không mua phí, mà cơ quan chức năng không thể kiểm soát được hết chủ phương tiện, nhất là xe máy", ông Thanh bày tỏ.

Lãnh đạo Hiệp hội Vận tải ôtô cũng cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải phải thận trọng nghiên cứu bởi phí bảo trì đường bộ đã tính trên đầu xe, giờ lại thêm phí lưu hành thì sẽ thành "phí chồng lên nhau". Ngoài ra, nếu bộ máy thu phí cồng kềnh thì tiền thu vào ngân sách nhà nước thì ít mà thu vào bộ máy hoạt động thì nhiều.

Theo VNE

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại