Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết: Tính pháp lý của đề án thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân và phí lưu hành phương tiện vào trung tâm thành phố giờ cao điểm không phải là sáng kiến mới mẻ củad Bộ. Bộ Giao thông vận tải phải thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao và thực hiện Nghị quyết của Quốc hội. Đây không phải là quy trình ngược.
Theo Bộ trưởng Thăng, đề xuất trên căn cứ vào báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai vừa qua. Theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ có báo cáo về các giải pháp cấp bách giảm thiểu, kiềm chế tai nạn giao thông và xử lý ùn tắc tại các thành phố lớn.
Trên cơ sở báo cáo của Chính phủ, các đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu và căn cứ vào kết quả trả lời chất vấn, Quốc hội đã ra Nghị quyết, trong đó có nội dung thông qua các giải pháp của Chính phủ.
Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã có kết luận, giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương xây dựng đề án trình Chính phủ, Chinh phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bổ sung phí lưu hành phương tiện cá nhân và phí lưu hành phương tiện vào trung tâm thành phố giờ cao điểm vào Pháp lệnh về phí và lệ phí.
Bộ trưởng Đinh La Thăng đã trực tiếp trả lời tất cả các câu hỏi của người dân liên quan đến vấn đề giao thông vận tải.
Trả lời câu hỏi của độc giả Thái Bá Minh (ở Hà Nội), tại sao lại thu phí lưu hành phương tiện theo cách cào bằng đầu xe cùng mức mà không theo lưu thông thực tế, không phân biệt xe mới, xe cũ… Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, chúng tôi đã có tính toán rất kỹ, không cào bằng, tính đến thực tế của giao thông, mức thu nhập của người dân, nhu cầu đi lại và kinh nghiệm các nước…
Theo Bộ trưởng, mức phí lưu hành xe máy chia làm 2 loại, loại dưới 175 phân khối là 500.000 đồng/năm, như vậy mỗi tháng khoảng 46 nghìn đồng, tương đương khoảng 2 lít xăng. Chúng tôi nghĩ mức này là phù hợp. Với loại xe trên 175 phân khối, mức phí là 1 triệu đồng/năm.
Với xe ô tô, mức thu là 20 triệu đồng/năm cho ô tô có dung tích xi lanh dưới 2.000 cm3, như vậy một tháng chưa đến 2 triệu và chúng tôi cho rằng phù hợp với người sử dụng loại phương tiện này. Với xe từ 2000 đến 3000 phân khối, mức thu là 40 triệu và trên đó thì mức phí lại cao hơn. Chúng tôi dự kiến có phân chia thành các mức phí như vậy cho phù hợp với từng đối tượng.
Đưa quan điểm của mình về “sự công bằng trong đề án thu phí phương tiện, khi mà chủ nhân của những chiếc ô tô đang lăn bánh đã đóng góp vào ngân sách nhiều hơn rất nhiều so với những người đi xe đạp hay những phương tiện khác” (độc gải Nguyễn Quốc Cường, Hà Nội).
Bộ trưởng Thăng cho rằng, mục tiêu của việc thu phí không chỉ để giảm ùn tắc giao thông, mà còn tạo ra nguồn thu để đầu tư trở lại hạ tầng, để phục vụ người dân tốt hơn.
“Việc thu này đảm bảo công bằng, thực tế, người sử dụng nhiều hạ tầng phải nộp phí nhiều hơn. Người sử dụng xe máy thì nộp phí vừa phải, mức 500.000/năm, còn đối với người đi bộ, xe đạp không phải nộp”, Bộ trưởng Thăng khẳng định.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Thăng, chúng ta cũng phải đặt ngược lại vấn đề, người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, họ làm gì để nộp thuế. Nhưng công sức bảo vệ biên giới của họ thì không thể tính bằng tiền. Nếu tính về sự đóng góp thì không thể tính được.
Anh có thể nộp ngân sách hàng năm, hàng tháng nhưng sự hy sinh của những người nơi biên giới, của người nông dân làm ra hạt gạo… có tính được không, và họ luôn bị thiệt thòi. Cho nên người hỏi cũng phải xem lại.
Bộ trưởng Thăng giải thích thêm, nếu mình không thu phí này, tạo thêm nguồn thu, chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước thì không có tiền đầu tư cho giao thông nông thôn, đường ven biển, đường tuần tra biên giới… Do vậy tôi nghĩ, nếu nói bình đẳng thì chúng ta phải hiểu một cách đầy đủ như vậy.
Độc giả Nguyễn Quốc Cường hỏi thêm, nếu sau khi người có các phương tiện cá nhân đã nộp đầy đủ phí theo quy định mới, mà tình hình ùn tắc không được đẩy lùi, thì Bộ trưởng có sẵn sàng đề xuất Chính phủ trả lại những khoản phí đã đóng, thậm chí là lãi suất ngân hàng cho người dân nói chung hay không?
Trở lời khúc mắc trên, Bộ trưởng Giao thông vận tải cho biết, đây là nhiệm vụ để giảm thiểu ùn tắc giao thông, khi giảm thiểu được, toàn dân được hưởng. Còn nếu nói hết hẳn, ở những nước phát triển như Mỹ, Nga, Anh, Nhật… cũng còn ùn tắc giao thông. Cho nên, chúng ta đang hướng đến mục tiêu giảm, còn giảm tới mức độ nào thì phụ thuộc vào tất cả chúng ta.
Theo Lê Việt
VTC.vn