Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) chưa an tâm về thủy điện Sông Tranh 2 dù Bộ trưởng Xây dựng phát biểu trước đó là công trình an toàn. Ông Minh thắc mắc, sao nói an toàn nhưng Chính phủ lại không cho tích nước và các nhà khoa học có tiếng tăm cũng vẫn đang tranh luận với nhiều ý kiến khác nhau.
Đại biểu dẫn một cảnh báo gần đây là đập thủy điện sẽ không vỡ nhưng động đất có thể bẻ ngang vai đập, lòng dân tiếp tục bất an.
Đại biểu Ngô Văn Minh (ảnh: Việt Hưng).
Ông Minh yêu cầu Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nói rõ trước Quốc hội là đập an toàn trên các căn cứ khoa học, người dân yên tâm ở tại chỗ.
“Thậm chí cần mời cán bộ lên đó ở mấy tháng cho dân yên tâm. Phương án khác là công bố rộng rãi là chưa thể yên tâm để người dân đi tái định cư nơi khác.
Chúng ta phải đầy đủ dũng cảm và trách nhiệm nói với dân là chưa yên tâm, thôi thì của đau con xót, 5.100 tỷ chứ không phải ít nhưng cũng phải dừng công trình để yên tâm” – ông Minh phát biểu.
Bộ trưởng Xây dựng giải thích lý do kết luận an toàn là thủy điện này đã tuân thủ các quy trình kiểm tra chất lượng, khảo sát thiết kế (có tư vấn độc lập của Nhật Bản tham gia kiểm tra và kết luận an toàn).
Sau khi đưa vào sử dụng, vì có sự cố thấm nước nên Hội đồng thẩm định nhà nước vào cuộc cùng các cơ quan tập trung xử lý và giờ mức thấm chỉ còn 3m/s - đập thấm ít nhất hiện nay.
Hội đồng cũng đã yêu cầu nhà đầu tư thuê tư vấn độc lập khác kiểm tra toàn bộ sự an toàn của đập. Nhóm tư vấn của Thụy Sỹ khẳng định đập an toàn, có khả năng chịu động đất với gia tốc nền đến 220 kg/cm2.
Vì khu vực đập và khu Bắc Trà My xảy ra nhiều trận động đất và rung chấn, tuy đều nhỏ hơn mức 5,5 độ richter mà Viện vật lý địa cầu đã cung cấp như yếu tố đầu vào khi thiết kế xây dựng đập nhưng người dân vẫn rất lo lắng. Ông Dũng giải thích, đó là lý do mà Chính phủ cũng như Bộ Xây dựng cho rằng cần tập trung mọi biện pháp để đảm bảo an toàn.
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng (ảnh: Tuổi trẻ).
“Đó là yêu cầu số 1. Không thể để đập mất an toàn cũng là yêu cầu để an dân. Khi dân chưa yên tâm thì chưa cho tích nước” – Bộ trưởng Xây dựng quả quyết và thông tin thêm các Bộ ngành đã xin phép Thủ tướng và được đồng ý để Viện vật lý đại cầu, Viện khoa học công nghệ tiếp tục mời các nhà tư vấn có kinh nghiệm trên thế giới đến đánh giá về động đất, địa chất ở khu vực Bắc Trà My này.
Hiện các nhà địa chất Nga đã đến Sông Tranh từ hôm Chủ nhật (ngày 11/11). Sắp tới các nhà địa chất Ấn Độ, Nhật Bản tiếp tục đến để nghiên cứu, đánh giá toàn diện để có thể khẳng định động đất khu vực sẽ không thể vượt mức 5,5 độ richter. Ông Dũng nhắc lại “nếu có kết luận như vậy phải tuyên truyền để bà con yên tâm xong mới cho thủy điện này tích nước”.
Đối với câu hỏi về trách nhiệm nếu có sự cố xảy ra, ông Dũng trả lời, các cơ quan liên quan phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc Bộ trưởng Xây dựng về câu hỏi của đại biểu là phải tuyên bố dứt khoát dừng công trình, phải di dân đi hay vẫn tiếp tục công trình.
Ông Hùng nhắc lại việc Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải trước đó đã phát biểu là phải tiếp tục nghiên cứu sự an toàn của đập dù mọi cuộc kiểm tra đến giờ đều cho kết luận đập an toàn nhưng vẫn chưa yên tâm được vì động đất vẫn hàng ngày xảy ra.
“Bộ trưởng có thể nói, đồng báo cứ ở tại chỗ, nhà nước sẽ ẽ đảm bảo an toàn?” – Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng tiếp tục phân trần, hiện nay với mực nước tràn 161m thì đập có thể chịu động đất với gia tốc nền lên đến 350kg/cm2…
Chủ tịch Quốc hội ngắt lời: “Dân ko quan tâm con số đó đâu, chỉ quan tâm cảnh báo ở hay đi”.
Đến lúc này, Bộ trưởng Xây dựng khẳng định: "Ở số liệu nước ở mực tràn như vậy, bà con hoàn toàn yên tâm ở đó, không phải đi đâu hết".